Cách tính lãi thẻ tín dụng và 10 mẹo sử dụng miễn lãi để không mất tiền oan

Cách tính lãi thẻ tín dụng

Chào cô gái,

  • Bạn đang băn khoăn có nên mở thẻ tín dụng không?
  • Bạn nhận sao kê thanh toán và “tá hỏa” với những khoản lãi và phí từ thẻ tín dụng?
  • Bạn muốn tìm hiểu cách tính lãi thẻ tín dụng?
  • Bạn tự hỏi có cách nào để tận dụng tốt đa thời hạn miễn lãi của thẻ tín dụng hay không?
  • Bạn đang ngập trong nợ tín dụng và tìm kiếm một giải pháp?
  • Bạn mong muốn tìm kiếm giải pháp tối ưu cho việc sử dụng thẻ tín dụng?

Nếu những điều trên là những gì bạn đang gặp phải, bạn lên Google và tìm thấy bài viết này, thì Hương xin chúc mừng bạn, bạn đã tìm đến đúng nơi bạn cần rồi đó.

Bài viết hôm nay Hương sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách tính lãi thẻ tín dụng mà ngân hàng đang áp dụng mỗi tháng cho bạn. Từ những thông tin này, bạn sẽ tìm ra cách sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả và tối ưu cho cuộc sống 4.0 của mình.

Chúng ta cùng bắt đầu nào!

Lãi thẻ tín dụng là gì?

Lãi thẻ tín dụng là phần tiền mà người sử dụng thẻ tín dụng phải mất thêm khi không thanh toán tín dụng đúng hạn cho đơn vị phát hành thẻ tín dụng (thường là ngân hàng).

Thông thường ngân hàng sẽ có 45 – 60 ngày không tính lãi thẻ ngân hàng, trong khoản thời gian này nếu bạn hoàn trả toàn bộ số tiền đã sử dụng từ thẻ tín dụng, bạn sẽ không bị ngân hàng tính lãi thẻ tín dụng. Hay nói cách khác, bạn được miễn lãi thẻ tín dụng

Ghi chú: Ở đây Hương lấy ví dụ chung số ngày miễn lãi là 45 ngày để bạn dễ theo dõi.

1.1. Thời gian miễn lãi thẻ tín dụng

Một số khái niệm mà bạn cần nắm.

  • Ngày sao kê thẻ tín dụng: Thời điểm ngân hàng chốt các giao dịch chủ thể trong một tháng, thường cố định.
  • Chu kỳ thanh toán: Là khoảng thời gian giữa 2 lần sao kê liên tiếp. Tính từ ngày chốt sao kê của tháng này đến ngày chốt sao kê của tháng kế tiếp, thông thường là 30 ngày.
  • Thời gian ân hạn của thẻ tín dụng: Thời gian ngân hàng gia hạn thêm cho chủ thẻ tín dụng sắp xếp tài chính để hoàn lại tiền đã sử dụng từ thẻ tín dụng, thường là 15 – 20 ngày.

Thời hạn miễn lãi của các giao dịch KHÔNG PHẢI 100% đều là 45 ngày. Đây là con số tối đa được miễn lãi, nếu bạn giao dịch vào đúng ngày đầu tiên của chu kỳ thanh toán.

45 ngày miễn lãi = 30 ngày miễn lãi chính thức (*) + 15 ngày ân hạn (cố định)

Cách tính lãi thẻ tín dụng

Trong đó:

  • 30 ngày miễn lãi chính thức (*) là không cố định: số này linh hoạt được tính từ ngày bạn thực hiện giao dịch đến ngày sao kê
  • 15 ngày ân hạn: đây là số ngày cố định, được tính từ ngày sao kê trở đi

Hình minh họa dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách tính ngày miễn lãi.

Cách tính lãi thẻ tín dụng
Ngày phát sinh lãi thẻ tín dụng – Cách tính lãi thẻ tín dụng

1.2. Khi nào lãi thẻ tín dụng sẽ phát sinh?

Lãi thẻ tín dụng sẽ phát sinh khi bạn không thanh toán đầy đủ số dư nợ hiện có trong thời gian được miễn lãi (thường là tối đa trong 45 ngày).

Trường hợp 1 – Không thanh toán dư nợ tối thiểu đúng hạn

Khi tổng kết chu kỳ sử dụng thẻ mỗi tháng, ngân hàng sẽ gửi thông tin sao kê tín dụng về email cho bạn. Trên đó bạn sẽ được thấy thông tin DƯ NỢ TỐI THIỂU – Thường là 5% tổng sống dư nợ bạn có.

Nếu bạn trả bằng hoặc hơn dư nợ tối thiếu này đúng hạn (sau 15 ngày kể từ ngày kết toán chu kì tín dụng) thì bạn sẽ không bị phải chịu phí phạt TRẢ CHẬM. Ngược lại, nếu bạn không trả dư nợ tối thiểu đúng hạn hoặc trả số tiền ít hơn, ngoài lãi thẻ tín dụng bạn còn phải chịu thêm PHÍ PHẠT TRẢ CHẬM, con số này thường từ 4 – 6% tùy ngân hàng.

Ví dụ như sau:

Ngày 30/5/2022, bạn nhận sao kê kỳ thanh toán từ 30/4 – 30/5 với thông tin như sau:

  • Tổng số tiền đã sử dụng là 100.000.000 đồng.
  • Lãi suất: 30%/năm
  • Dư nợ tối thiểu: 5.000.000 đồng (tức là 5% tổng dư nợ)
  • Hạn thanh toán: 15/6/2022
  • Phí trả chậm: 4%

Như vậy, từ ngày 1/6/2022 đến 15/6/2022, nếu bạn thanh toán được ít nhất 5.000.000 đồng, thì bạn sẽ không bị tính phí trả chậm 4% và ngược lại.

Về phần lãi thẻ tín dụng, chúng ta sẽ bàn ở phần sau.

Cách tính lãi thẻ tín dụng
Cách tính lãi thẻ tín dụng

Trường hợp 2 – Không thanh toán TOÀN BỘ dư nợ trong thời gian miễn lãi 45 ngày

Nếu chủ thẻ không thực hiện thanh toán TOÀN BỘ dư nợ trong thời hạn miễn lãi 45 ngày kể trên, thì lãi suất sẽ được tính trên TỔNG SỐ DƯ NỢ BAN ĐẦU chứ không phải trên số còn lại chưa thanh toán.

Tiếp tục ví dụ trên:

Từ ngày 1/6/2022 đến 15/6/2022, nếu bạn thanh toán số tiền là 99.000.000 đồng, khi đó dư nợ hiện tại của bạn là 1.000.000 đồng. Thì phần lãi vẫn sẽ được tính trên tổng số dư nợ ban đầu là 100.000.000 đồng chứ không phải là 1.000.000 đồng.

Trường hợp 3 – Sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt hoặc đổi ngoại tệ tại nước ngoài

Phần này đã được chia sẻ rất kỹ thông qua ví dụ ở bài viết trước tại Blog Phụ Nữ Tự Do rồi, nên Hương không nhắc lại nữa nhé.

Về cơ bản, lãi tín dụng lập tức được tính NGAY TẠI THỜI ĐIỂM bạn thực hiện lệnh rút tiền mặt hoặc đổi ngoại tệ. Bạn hoàn toàn KHÔNG được hưởng 45 ngày miễn lãi giống như các giao dịch quẹt thẻ thanh toán khác.

Đọc bài viết trước: Vén màn bí mật thẻ tín dụng – 8 nguyên tắc sử dụng thẻ tín dụng giúp bạn tránh xa nợ xấu

Cách tính lãi thẻ tín dụng như thế nào?

Trường hợp bạn thanh toán đầy đủ dư nợ vào trước hoặc đúng hạn thanh toán thì bạn được miễn lãi tín dụng, vì vậy chúng ta không bàn tới trường hợp này tại đây.

Vậy nếu bạn không thanh toán đủ hoặc đúng hạn?

Có 2 trường hợp có thể phát sinh sau khi ngân hàng gửi sao kê về cho bạn. Đó là:

  1. Thanh toán tối thiểu 5% hoặc trên 5% và dưới tổng số tiền sử dụng
  2. Thanh toán không đủ 5% tối thiểu hoặc không đóng

Sau đó, bạn có 15 ngày để sắp xếp tài chính, thức hiện thanh toán cho ngân hàng. Chúng ta cùng xem cách tính lãi thẻ tín dụng cho từng trường hợp có gì khác nhau thông qua ví dụ dưới đây.

Ngày 30/5/2022, bạn nhận sao kê kỳ thanh toán từ 30/4 – 30/5 với thông tin như sau:

  • Tổng số tiền đã sử dụng là 100.000.000 đồng.
  • Lãi suất: 30%/năm
  • Dư nợ tối thiểu: 5.000.000 đồng (tức là 5% tổng dư nợ)
  • Hạn thanh toán: 15/6/2022
  • Phí trả chậm: 4%
Cách tính lãi thẻ tín dụng
Cách tính lãi thẻ tín dụng

Dư nợ trong chu kỳ thanh toán được ghi nhận như sau:

  • Ngày 1/5 phát sinh giao dịch trị giá 10.000.000 đồng, dư nợ ghi nhận cuối ngày 1/5 là 10.000.000 đồng, tạm gọi là dư nợ 1.
  • Ngày 10/5 phát sinh giao dịch trị giá 50.000.000 đồng, dự nợ ghi nhận cuối ngày 10/5 là 60.000.000 đồng, tạm gọi là dư nợ 2.
  • Ngày 15/5 phát sinh giao dịch trị giá 40.000.000 đồng, dự nợ ghi nhận cuối ngày 15/5 là 100.000.000 đồng, tạm gọi là dư nợ 3.
  • Từ ngày 16/5 đến 30/5 không phát sinh giao dịch, dư nợ ghi nhận vào ngày sao kê 30/5 là 100.000.000 đồng.

Chúng ta sẽ xem xét với từng trường hợp như sau:

2.1. Trường hợp 1 – Thanh toán tối thiểu 5% hoặc trên 5% và dưới tổng số tiền sử dụng đúng hoặc trước hạn

Hạn thanh toán của bạn là ngày 15/6, tức là từ ngày 1/5 – 15/6, các khoản giao dịch sẽ được miễn lãi, nếu như bạn hoàn thành trả 100% số tiền đã sử dụng là 100 triệu vào trước hoặc đúng ngày 15/6.

Trong trường hợp này (thanh toán 1 phần tối thiếu 5% tổng số tiền đã sử dụng), chi phí phát sinh sẽ gồm:

  • Không bị tính phí trả chậm 4%
  • Lãi tín dụng: tính trên toàn bộ 100 triệu kể từ ngày phát sinh giao dịch

VD1. Thanh toán tối thiểu 5%

a. Ngày 15/6, bạn thanh toán cho ngân hàng số tối thiếu là 5.000.000 đồng.

b. Ngày 20/6 bạn thanh toán số tiền còn lại cho ngân hàng

Số tiền gốc còn lại là: 100 triệu – 5 triệu = 95 triệu đồng

Số lãi tính đến ngày 20/6 được tính như sau:

  • Dư nợ 1 từ ngày 1/5 – 9/5 là: Lãi đợt 1 = 10 triệu x (30%/365 ngày) x 9 ngày = 73.973 đồng
  • Dư nợ 2 từ ngày 10/5 – 14/5 là: Lãi đợt 2 = 60 triệu x (30%/365 ngày) x 5 ngày = 246.575 đồng
  • Dư nợ 3 từ ngày 15/5 – 20/6 là: Lãi đợt 3 = 100 triệu x (30%/ 365 ngày) x 36 ngày = 2.958.904 đồng

Tổng lãi phải trả đến ngày 20/6 = 3.279.452 đồng

Như vậy, tổng số tiền bạn cần thanh toán cho ngân hàng vào ngày 20/6 sẽ là 98.278.452 đồng.

Ví dụ 2. Thanh toán 99 triệu

a. Ngày 15/6, bạn trả ngân hàng 99 triệu

b. Ngày 20/6, bạn thanh toán số còn lại cho ngân hàng

Số gốc còn lại là: 100 triệu – 99 triệu = 1 triệu đồng

Số lãi tính đến ngày 20/6 = 3.279.452 đồng

Như vậy, tổng số tiền bạn cần thanh toán cho ngân hàng vào ngày 20/6 là 4.279.452 đồng.

Cách tính lãi thẻ tín dụng
Cách tính lãi thẻ tín dụng

2.2. Trường hợp 2 – Thanh toán dưới 5% hoặc không đóng

Sau khi đọc xong cách tính lãi thẻ tín dụng ở trường hợp 1, bạn có thể thấy gánh lãi sau thời kỳ miễn lãi cũng hơi mệt rồi nhỉ, sang đến trường hợp 2 thì chắc bạn sẽ choáng váng luôn đấy. Bởi vậy Hương lưu ý cho bạn, bạn nhất định phải tập trung và bình tĩnh khi đọc ví dụ dưới đây nhé.

Trong trường hợp bạn thanh toán dưới 5% tối thiểu theo quy định của ngân hàng, hoặc tệ hơn là không đóng. Các chi phí phát sinh như sau:

  • Bị áp dụng phí trả chậm 4%
  • Tước quyền 45 ngày miễn lãi cho tháng kế tiếp
  • Lãi tính dụng: tính trên toàn bộ 100 triệu kể từ ngày phát sinh giao dịch

VD3. Thanh toán không đủ 5%

a. Ngày 15/6, bạn thanh toán cho ngân hàng 3.000.000 đồng

b. Ngày 20/6, bạn thanh toán số còn lại cho ngân hàng

Số gốc còn lại là 100 triệu – 3 triệu = 97 triệu đồng

Số lãi tính đến ngày 20/6 = 3.279.452 đồng

Số tiền phí trả chậm = 4% x 100 triệu = 4 triệu

Như vậy, tổng số tiền bạn phải trả cho ngân hàng vào ngày 20/6 = 104.279.452 đồng

VD4. Không thanh toán

Tương tự cách tính như VD3, ta tính được tổng số tiền bạn phải trả cho ngân hàng vào ngày 20/6 = 107.279.452 đồng

Không thể bỏ qua: 10 sai lầm trong quản lý tiền bạc của hội chị em cần loại bỏ NGAY LẬP TỨC

Lưu ý về phí trả chậm

Như chia sẻ ở trên, phí trả chậm là 4% tính trên tổng số tiền sử dụng của chu kỳ thanh toán. Tuy nhiên, ngân hàng cũng đặt ra mức phí trả chậm tối thiếu.

Trường hợp phí trả chậm tính theo 4% < mức trả chậm tối thiểu, thì sẽ lấy con số tối thiểu để tính phí trả chậm cần thanh toán

Ví dụ như sau:

Ngày 29/5, bạn vào The Coffee House quẹt thẻ tín dụng để mua cho mình 1 cốc sinh tố trị giá 49.000 đồng. Đây là giao dịch duy nhất trong tháng 5 của bạn. Ngày 30/5, ngân hàng gửi sao kê với số tiền cần thanh toán là 49.000 đồng, hạn thanh toán là ngày 15/6. Phí trả chậm tối thiếu là 100.000 đồng, phí 4%.

Vì một lý do nào đó, bạn quên không thanh toán số tiền này đúng hạn.

Đến ngày 20/6, phí trả chậm của bạn tính theo 4% = 1.960 đồng (tạm coi là 2000 đồng nhé)

Bạn nghĩ phí trả chậm của bạn là 2000 đồng ư?

Hoàn toàn không.

Phí trả chậm bạn cần thanh toán lúc này sẽ là 100.000 đồng.

Bởi vậy, như chia sẻ ở bài viết 8 nguyên tắc sử dụng thẻ tín dụng, việc lựa chọn ngân hàng và xem xét kỹ cách chính sách của ngân hàng trước khi mở thẻ cực kỳ quan trọng.

Cách tính lãi thẻ tín dụng
Cách tính lãi thẻ tín dụng

2.3 – Trường hợp 3 – Bạn sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt

Như đã chia sẻ ở trên, đối với trường hợp bạn rút tiền mặt, bạn sẽ không được nhận 45 ngày miễn lãi giống như việc bạn thanh toán hoặc quẹt thẻ tín dụng.

Khi đó, bạn sẽ chịu thêm một khoản phí nữa là phí rút tiền và phí rút tiền này sẽ gộp vào khoản tiền gốc để tính lãi.

Ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về hạn chế này.

Giả sử bạn sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng XYZ có hạn mức 25 triệu với lãi suất 30%/năm và phí rút tiền mặt là 4%/giao dịch được quy định bởi ngân hàng.

Ngày 1/6, bạn thực hiện rút 10 triệu đồng tiền mặt từ máy ATM và dự định 2 tuần sau (14 ngày) sẽ trả lại cho ngân hàng. Tổng số tiền bạn cần thanh toán lại cho ngân hàng vào ngày 14/6 là: 10.519.671 đồng

Cách tính cụ thể như sau:

Phí rút tiền mặt tại thời điểm giao dịch tại ATM = 10 triệu x 4% = 400.000 đồng

Lãi suất thẻ tín dụng của bạn là 30%/ năm được tính hàng ngày kể từ thời điểm bạn rút tiền mặt cho đến khi bạn hoàn trả đầy đủ. Số tiền tính lãi dựa trên số tiền gồm cả tiền gốc và phí rút tiền = 10.000.000 + 400.000 = 10.400.000 đồng.

Tổng tiền lãi trong 14 ngày được tính như sau:

Tiền lãi = 10.400.000 x 30% : (365 ngày) x (14 ngày) = 119.671 đồng

Vì vậy, vào ngày 14/6, khi bạn trả khoản ứng trước tiền mặt 10 triệu đồng, bạn đã vay trong 2 tuần, bạn sẽ cần thanh toán tổng số tiền là: 10.519.671 đồng

Tổng phải trả = 10.000.000 + 400.000 + 119.671 = 10.519.671 đồng

Cách tính lãi thẻ tín dụng

Mẹo sử dụng thẻ tín dụng để không bị mất tiền oan

Khi hiểu được cách tính lãi thẻ tín dụng của các ngân hàng có lẽ Hương sẽ không cần giải thích lý do vì sao 10 mẹo sử dụng thẻ tín dụng dưới đây sẽ giúp bạn KHÔNG bị mất tiền oan.

Cách tính lãi thẻ tín dụng
Cách tính lãi thẻ tín dụng

3.1. Mẹo sử dụng thẻ tín dụng miễn lãi

1. Giao dịch vào đầu chu kỳ thanh toán

2. Hạn chế mua sắm vào cận ngày sao kê

3. Thường xuyên kiểm tra các giao dịch và khả năng chi trả

4. Cài đặt thanh toán dư nợ tự động

5. Thanh toán hết số dự nợ để được miễn lãi kỳ kế tiếp

Đừng bỏ qua: Hướng dẫn theo dõi thu chi với 3 bước đơn giản

3.2. Mẹo sử dụng thẻ tín dụng tránh lãi suất cao

1. Lựa chọn thật kỹ loại thẻ và ngân hàng phát hành thẻ tín dụng

2. Thanh toán dư nợ đúng hạn

3. Thanh toán dư nợ càng sớm càng tốt

4. Cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định rút tiền mặt từ thẻ tín dụng

5. Lên kế hoạch chi tiêu cá nhân phù hợp với khả năng chi trả

Đừng bỏ qua:

Tổng kết

Trên đây là cách tính lãi thẻ tín dụng mà các ngân hàng đang “giúp đỡ” bạn tính toán mỗi tháng. Có vẻ như đây không phải những bài toán đơn giản dành cho tất cả mọi người.

Hiểu được cách tính lãi thẻ tín dụng cũng sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn về những chiếc thẻ “thần kỳ” này để có thể lý chí khi sử dụng thẻ, giúp bạn tránh xa những nợ xấu không đáng có.

Vấn đề chưa bao giờ nằm ở chiếc thẻ tín dụng mà nằm ở phương pháp chi tiêu bằng thẻ tín dụng của mỗi người. Hãy là người phụ nữ hiện đại và thông minh.

Hi vọng bài viết Cách tính lãi thẻ tín dụng và 10 mẹo sử dụng thẻ để không bị mất tiền oan đã cũng cấp cho bạn thêm những kiến thức tài chính hữu ích giúp bạn có những khoản chi tích cực trong cuộc sống của mình. Giúp bạn điều khiển và kiếm soát chiếc thẻ tín dụng trong ví bạn và khiến chúng làm việc cho bạn tích cực.

Bài viết hữu ích dành cho bạn:

Chúc bạn một ngày tốt lành!

Ảnh: Canva.com

Hương Nguyễn – Phụ Nữ Tự Do.


Nếu bạn thấy nội dung này là có giá trị, hãy mời Hương một cốc cafe nhé!

Số tài khoản: 19037057180015
Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Thu Hương
Ngân hàng Techcombank chi nhánh Tân Bình

3 Comments

  1. Quỳnh
    24/08/2022

Write a Comment