Chứng chỉ quỹ là gì? Có 4 loại quỹ đầu tư, bạn đã biết chưa?

Chứng chỉ quỹ là gì?
  • Chứng chỉ quỹ là gì?
  • Chứng chỉ quỹ trả lãi như thế nào?
  • Lãi suất chứng chỉ quỹ là bao nhiêu?
  • Các chứng chỉ quỹ ở Việt Nam?
  • Kinh nghiệm đầu tư chứng chỉ quỹ?
  • Mua chứng chỉ quỹ online ở đâu?
  • Chứng chỉ quỹ khác gì cổ phiếu?

Nếu đây là những thắc mắc của bạn, thì hôm nay Hương sẽ giúp bạn giải đáp toàn bộ những kiến thức tài chính này ngay trong bài viết này nhé!

Bắt đầu nào cô gái!

Chứng chỉ quỹ là gì?

Hiểu rõ chứng chỉ quỹ là gì?

Theo Luật chứng khoán 2019, chứng chỉ quỹ được giải thích như sau:

Chứng chỉ quỹ (CCQ) là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.

Nói một cách đơn giản, Hương có thể giải thích với chị em như sau:

Đầu tư vào chứng chỉ quỹ là một hình thức đầu tư chứng khoán. Thay vì bạn trực tiếp phân tích, đánh giá và ra quyết định đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu nào đó, thì bạn gửi vốn của mình đến các Quỹ đầu tư – nơi các chuyên gia sẽ giúp bạn đánh giá, phân tích và ra quyết định đầu tư.

Việc mua các chứng chỉ quỹ giống như hình thức góp vốn vào quỹ. Giá trị các chứng chỉ quỹ này sẽ tăng lên nếu như quỹ đầu tư hiệu quả và ngược lại.

Bạn sẽ quan tâm: Top 10 công ty quản lý hiệu quả nhất thị trường Việt Nam hiện nay

Một ví dụ nhỏ để hình dung rõ hơn chứng chỉ quỹ là gì nhé!

Công ty A của Hương thành lập một quỹ đầu tư, có tên là Phụ Nữ Tự Do. Hương kêu gọi các chị em góp vốn vào quỹ PNTD bằng cách phát hành các chứng chỉ quỹ, giả sử mỗi CCQ PNTD có giá là 10.000 đồng.

Như vậy, chị em góp vốn bằng cách mua số lượng CCQ tương ứng với số vốn muốn góp vào quỹ của Hương.

Giả sử, hôm nay bạn góp vào là 1.000.000 đồng, tương ứng với 100 CCQ PNTD.

Hương mang tiền của quỹ phân bổ vào các loại hình chứng khoán khác nhau như:

  • 25% mua cổ phiếu của FPT
  • 20% mua cổ phiếu của Thế giới di động
  • 15% mua cổ phiếu của FLC
  • 15% mua cổ phiếu của VinGroup
  • 10% mua cổ phiếu của tập đoàn Hòa Phát
  • 10% mua trái phiếu Tập đoàn dầu khí Việt Nam
  • 5% mua trái phiếu của Techcombank

Danh sách trên gọi là danh mục đầu tư.

Như vậy, lợi nhuận của chứng chỉ quỹ PNTD sẽ được tính trên trung bình của phần lãi hoặc lỗ từ 7 loại cổ phiếu và trái phiếu (danh mục đầu tư) ở trên.

Nguyên tắc đầu tư của CCQ là “không bỏ trứng vào một giỏi” từ đó giảm rủi ro và tăng hiệu quả sử dụng vốn.

Giả sử danh mục đầu tư trên mang về lợi nhuận sau 1 tháng là 15%. Như vậy, giá của CCQ PNTD lúc này sẽ là 11.500/ CCQ. Nếu tại thời điểm này, bạn bán CCQ đang nắm giữ của mình, bạn sẽ nhận lãi là (11.500đ – 10.000đ)x100 CCQ= 150.0000đ

Còn nếu bạn tiếp tục nắm giữ CCQ thì giá trị của CCQ sẽ tiếp tục thay đổi phụ được vào hiệu quả hoạt động của quỹ.

Có những loại quỹ đầu tư nào?

Quỹ đầu tư là quỹ huy động vốn từ nhà đầu tư vào các loại tài sản tuân thủ theo mục tiêu được xác định. Nói một cách khác, quỹ đầu tư là định chế tài trung gian phi ngân hàng thu hút tiền nhàn rỗi từ các nguồn khác nhau để đầu tư vào các cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, hay các loại tài sản khác.

Có 4 loại quỹ đầu tư bạn cần quan tâm khi tham gia vào thị trường chứng khoán như sau:

1. Quỹ mở

Quỹ mở (quỹ đầu tư mở) là một quỹ đầu tư tập thể cho phép phát hành thêm và mua lại chứng chỉ quỹ đã phát hành bất cứ lúc nào. Nhà đầu tư có thể mua chứng chỉ quỹ của những quỹ như vậy trực tiếp từ công ty quản lý quỹ, hoặc thông qua một hãng môi giới (đơn vị trung gian).

Chứng chỉ quỹ là gì?
Quỹ mở – Chứng chỉ quỹ là gì?

Nói một cách đơn giản như sau:

Khi bạn mua chứng chỉ quỹ của quỹ mở, bạn có thể bán lại cho chính công ty quản lý quỹ nếu không muốn nắm giữa CCQ của quỹ đó nữa. Bởi vậy tính thanh khoản của CCQ rất cao.

Nếu bạn góp vốn vào quỹ, quỹ sẽ phát hành thêm một lượng CCQ tương ứng, khi đó quỹ lại mang tiền của bạn đi đầu tư. Khi bạn bán CCQ lại cho quỹ, quỹ sẽ bán bớt tài sản (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi…) của mình ra thị trường để trả lại tiền cho bạn.

Quỹ đầu tư mở khá phổ biến ở hầu hết các nước phát triển, tuy nhiên thuật ngữ và quy tắc hoạt động có thể hơi khác nhau.

Ví dụ: ở Mỹ người ta gọi nó là Mutual fund (quỹ tương hỗ), ở Anh là Unit trusts (đơn vị ủy thác đầu tư) hoặc OEIC (công ty đầu tư mở rộng), còn hầu hết các nước châu Âu gọi nó là SICAV (công ty đầu tư không cố định vốn).

Ngược lại với quỹ đầu tư mở là các quỹ đầu tư đóng.

2. Quỹ đóng

Quỹ đóng là hình thức phát hành chứng chỉ quỹ một lần duy nhất và có số lượng nhất định ngay lần huy động vốn ban đầu. Người sở hữu chứng chỉ quỹ của quỹ đóng không bán CCQ lại cho quỹ, thay vào đó sẽ giao dịch trên thị trường mua bán như cổ phiếu, bán cho các người mua khác.

Quỹ đóng còn được sử dụng khi doanh nghiệp muốn huy động vốn. Ngoài ra, khi bán hết số lượng phát hành sẽ không được phát hành thêm, đóng quỹ lại.

Nhờ đặc tính không mua lại chứng chỉ quỹ trực tiếp từ nhà đầu tư, mà quỹ đóng có ưu thế tập trung vốn vào đầu tư dài hạn cho tài sản của mình, trái ngược hoàn toàn với quỹ mở. Bởi vậy, chứng chỉ quỹ từ quỹ đóng sẽ phát huy hiệu quả sau thời gian dài đầu tư và không phù hợp với việc đầu tư ngắn hạn.

3. Quỹ ETF

ETF là quỹ hoán đổi danh mục (Exchange Traded Fund) là quỹ hoạt động mô phỏng theo sự biến động của một chỉ số tham chiếu, như chỉ số chứng khoán.

  • ETF được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và nhà đầu tư có thể mua bán như một cổ phiếu thông thường.
  • ETF cũng giống quỹ mở, cũng sẽ liên tục phát hành và giao dịch mua bán không giới hạn.
Chứng chỉ quỹ là gì?
ETF – Chứng chỉ quỹ là gì?

Một ví dụ về quỹ ETF

Quỹ ETF SSIAM VN30 hoạt động mô phỏng theo sự biến động của chỉ số VN30.

Chỉ số VN30 là chỉ số giá bao gồm những cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh HOSE đáp ứng đủ tư cách tham gia vào Bộ chỉ số và các điều kiện sàng lọc.

Chỉ số VN30 mô phỏng bao gồm 30 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa, khả năng thành khoản và tỷ lệ tự do chuyển nhượng hàng đầu. Chỉ số VN30 đại diện cho 74% vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nói một cách khoa trương thì khi bạn đầu tư vào ETF mô phỏng theo các chỉ số như VN30, VN100 thì cũng giống như bạn đầu tư vào cả một nền kinh tế của Việt Nam vậy đó.

4. Quỹ thành viên

Quỹ thành viên là quỹ đầu tư chứng khoán có số thành viên tham gia góp vốn từ 02 đến 99 thành viên và chỉ bao gồm thành viên là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Vốn góp theo quy định tối thiểu là 50 tỷ và phải do một công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán quản lý. (Quy định của Luật chứng khoán 2019).

Nói một cách dễ hiểu thì nếu chị em muốn tham gia vào quỹ thành viên, thì cần có ít nhất 50 tỷ và còn là một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bởi vậy, cơ hội để tham gia quỹ thành viên này không hề dễ dàng, cho nên chúng ta hoàn toàn có thể chuyển hướng quan tâm của mình về 3 loại hình quỹ mà Hương đã chia sẻ ở trên nhé.

Lợi ích của việc mua chứng chỉ quỹ?

Qua các thông tin trên, phần nào bạn có thể hiểu được những lợi ích khi tham gia mua chứng chỉ quỹ rồi chứ?

Hương sẽ tổng hợp lại một lần nữa nhé!

  • Bạn không cần là một chuyên gia đánh giá, phân tích và đầu tư.
  • Tiết kiệm thời gian và công sức khi tham gia vào thị trường chứng khoán.
  • Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đề sinh lời nhờ tận dụng sức mạnh của các chuyên gia từ các công ty quản lý quỹ uy tín.

Những rủi ro khi mua chứng chỉ quỹ?

Đầu tư sẽ luôn đi cùng với các rủi ro, đầu tư chứng chỉ quỹ cũng vậy.

  • Bạn không có quyền quyết định danh mục đầu tư và tiền của mình khi góp vốn vào quỹ đầu tư.
  • Giá trị chứng chỉ quỹ sẽ lên xuống, biến động theo hoạt động đầu tư của danh mục đầu tư (tài sản cơ sở đầu tư)

Mua tư chứng chỉ quỹ online ở đâu?

Hiện có rất nhiều ứng dụng giúp chị em mua bán chứng chỉ quỹ một cách nhanh chóng.

Xem thêm: Top 5 app đầu tư chứng chỉ quỹ uy tín nhất hiện nay.

Hiện Hương đang thực hiện các giao dịch của mình tại 2 ứng dụng tài chính:

1. TCInvest của TCBS (thuộc hệ sinh thái của ngân hàng Techcombank).

Chứng chỉ quỹ là gì?
TCInvest – Chứng chỉ quỹ là gì?

Xem thêm: Mở tài khoản chứng khoản chỉ với 3 phút tại TCBS

2. Infina của công ty Real Stake Fintech

Chứng chỉ quỹ là gì?
Infina – Chứng chỉ quỹ là gì?

Có thể bạn sẽ quan tâm:

Bạn có thể bắt đầu những giao dịch đầu tiên của mình tại một trong 2 app này.

Nên mua CCQ nào?

Nếu chị em chưa biết bắt đầu từ đâu thì hãy thứ bắt đầu với các quỹ ETF nhé. Như thông tin cung cấp ở trên, khi chị em đầu tư quỹ ETF nó cũng giống như một hình thức đầu tư vào cả nền thị trường Việt Nam vậy.

Mạnh dạn lên nào!

Hương sẽ chia sẻ các tiêu chí giúp chị em chọn được quỹ đầu tư hiệu quả ở một bài viết khác.

Tổng kết

Hương vừa giải đáp cho chị em một câu hỏi rất lớn: Chứng chỉ quỹ là gì? Qua bài viết này, chị em đã hiểu rõ cách dòng tiền của mình vận hành khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ. Hiểu rõ từng loại quỹ để lựa chọn quỹ đầu tư phù hợp với mình.

Hi vọng những kiến thức và thông tin Hương chia sẻ tại bài viết này sẽ giúp cho việc con đường đầu tư tài chính của chị em sáng rõ hơn.

Bạn nhất định phải đọc: Khái niệm cơ bản về chứng khoán – Nhà đầu tư nhất định phải hiểu rõ

Chúc chị em một ngày tốt lành!

Hương Nguyễn – Phụ Nữ Tự Do.

Write a Comment