Có 500 triệu, có nên mua nhà trả góp?

Có nên mua nhà trả góp?

Có nên mua nhà trả góp?

“Tôi là một phụ nữ độc thân, 30 tuổi, hiện nay tôi đang sống cùng ở nhà của bố mẹ tại Hà Nội. Tôi rất hài lòng với những gì mình đang có với công việc ổn định với mức lương 15 triệu/ tháng. Tôi tiết kiệm được 500 triệu là vốn tích cóp sau 8 năm làm việc chăm chỉ và nỗ lực làm việc. Với tình hình đồng tiền trượt giá như hiện nay, tôi nghĩ mình nên đầu tư mua nhà thay vì để tiền nằm yên trong ngân hàng. Tôi đã tìm thấy một căn nhà thuộc chung cư mini ở gần Ngã Tư Sở – Hà Nội với 2 phòng ngủ, 1 phòng khách có giá 1 tỷ. Liệu tôi có nên đầu tư để mua nhà trả góp?”

(Câu hỏi đến từ một phụ nữ làm việc và sinh sống tại Hà Nội)

Bạn có nhớ không? Đây là bài toán đã được nhắc tới trong bài viết Tài sản và tiêu sản – Kiến thức nền tảng cho sự giàu có.

Việc có nên mua nhà trả góp hay không phụ thuộc vào ngôi nhà trả góp đó là tài sản hay tiêu sản của bạn.

Vậy, làm sao để xác định căn nhà trả góp bạn sẽ mua là tài sản hay tiêu sản?

Bài viết này sẽ giúp bạn nhìn vào bảng tính dòng tiền để xác định ngôi nhà trả góp đó là tài sản hay tiêu sản của bạn. Chúng ta sẽ cùng bắt đầu nhé!

Cách tính lãi suất khi mua nhà trả góp

Giá sử trường hợp bạn chính là người phụ nữ được nhắc tới ở trên.

Bạn sở hữu số vốn sẵn có là 500 triệu. Số tiền bạn cần vay là 500 triệu.

Thời hạn vay là 12 năm, tương đương với 144 tháng.

Được ưu đãi miễn lãi năm đầu tiên.

Lãi suất sau ưu đãi là 9.6%/năm.

Cách tính lãi suất cụ thể như sau:

Số tiền phải trả tại kỳ thanh toán = tiền gốc + tiền lãi (tại kỳ thanh toán)
Trong đó:

  • Tiền gốc hàng tháng = Số tiền gốc/ thời gian thanh toán (tính bằng tháng/ quý)
  • Tiền lãi kỳ đầu = số tiền vay * lãi suất theo tháng (do ngân hàng đưa ra)
  • Tiền lãi các kỳ tiếp theo = số dư nợ còn lại * lãi suất theo tháng

Áp dụng vài bài toán thực tế ở trên:

  • Tiền gốc hàng tháng= 500.000.000 đồng/144 tháng = 3.472.222 đồng
  • Tiền 1 năm đầu ưu đãi = 0 đồng
  • Tiền gốc phải trả sau 1 năm ưu đãi lãi suất 0%= 500.000.000 đồng – (3.472.222 đồng * 12 tháng) = 458.333.333 đồng
  • Tiền lãi kỳ đầu tiên tính lãi (tháng thứ 13) = 458.333.333 đồng * (9.6%/12 tháng) = 3.666.667 đồng
  • Tiền lãi kỳ tháng thứ 14 = (458.333.333 – 3.472.222) * (9.6%/12 tháng) = 3.638.889 đồng

Xem cụ thể theo hình minh họa bên dưới:

Có nên mua nhà trả góp?
Hình 1. Bảng tính lãi suất theo từng năm trả góp số tiền 500 triệu – Có nên mua nhà trả góp?
Có nên mua nhà trả góp?
Hình 2. Bảng tính lãi suất theo từng tháng trả góp số tiền 500 triệu – Có nên mua nhà trả góp?

Ngôi nhà trả góp là tài sản hay tiêu sản? Bài toán có nên mua nhà trả góp được giải quyết

Nhớ lại một chút về nguyên tắc xác định một hàng hóa là tài sản hay tiêu sản nhé! Ngôi nhà sẽ là…

  • Tài sản: Ngôi nhà mang tiền về túi của bạn, tức là phát sinh thêm thu nhập cho bạn.
  • Tiêu sản: Ngôi nhà lấy tiền từ túi của bạn, tức là phát sinh thêm chi phí cho bạn.

Như vậy, sau khi mua nhà trả góp, hàng tháng ngôi nhà sẽ phát sinh thêm cho bạn một khoản chi phí mới.

  • Một năm đầu tiên, chi phí phát sinh thêm là 3.472.222 đồng/ tháng.
  • Bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi đến khi hoàn thành xong kỳ hạn trả góp, chi phí phát sinh ở tháng cao nhất là 7.138.889 đồng, chi phí ở tháng thấp nhất là 3.500.000 đồng

Xem bảng tính dòng tiền chi tiết tại bảng Excel này:

Bảng tính này đã được Hương lập công thức sẵn. Bạn có thể sử dụng bảng này và phân tích theo trường hợp của thể của chính mình bằng cách thay các con số màu đỏ trong bảng tính nhé.

Kịch bản nào khi sở hữu căn nhà trả góp?

Như trong bảng tính dòng tiền chi tiết ở bảng Excel trên, bạn sẽ thấy rõ ràng cả 3 kịch bản dưới đây. Sau đây Hương và bạn sẽ cùng phân tích kỹ hơn nhé.

1. Kịch bản số 1. Bạn và gia đình dọn tới ở trong căn nhà.

Như bạn thấy đó, chi phí sẽ phát sinh từ ngôi nhà sẽ ngày một tăng, chưa kể ngôi nhà sẽ có xu thế mất giá do xuống cấp, các tòa chung cư mới được xây dựng.

Do vậy, ngôi nhà khi sử dụng ở kịch bản này sẽ là một tiêu sản.

Như vậy, bạn sẽ tiếp tục chuỗi ngày làm việc, phấn đấu, tích cóp để nuôi sống ngôi nhà. Luẩn cuẩn trong vòng quay: Đi làm – nhận lương – trả nợ – đi làm – nhận lương – trả nợ…

2. Kịch bản số 2. Bạn dọn tới ở trong căn nhà, và cho thuê lại 1 phòng ngủ.

Giá thuê phòng với chung cư mini 1 phòng ngủ ở nội thành Hà Nội, ở ghép rơi vào mức 4,5 triệu – 7,5 triệu. Hương lấy mức giá trung bình là 6 triệu/tháng.

Như vậy, ta sẽ có bảng tính dòng tiền như sau:

Có nên mua nhà trả góp?
Hình 3. Cho thuê phòng với giá 6 triệu/ tháng – Có nên mua nhà trả góp?

Nhìn vào bảng tính trên, bạn có thể thấy trong năm thứ nhất ngôi nhà bạn mua là một tài sản. Năm thứ 2, 3, 4 ngôi nhà của bạn lại trở thành một loại tiêu sản.

Số vốn được hoàn về tròng 12 năm là hơn 120 triệu.

Kịch bản này khả quan hơn kịch bản số 1. Mặc dù vậy, việc ở ghép với một người xa lạ có thể dẫn tới nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Đặc biệt nếu bạn là một người ưu thích riêng tư, tự do hoặc có những sở thích đặc biệt.

Tuy nhiên, còn một số phát sinh khác mà chúng ta chưa kể tới ở đây như: phí vệ sinh, phí quản lý chung cư, phí sửa chữa bảo dưỡng nếu có phát sinh.

Hãy cân nhắc kỹ về kịch bản này nhé cô gái.

3. Kịch bản số 3. Bạn cho thuê cả căn nhà

Với căn hộ chung cư 2 phòng ngủ 1 phòng khách ở nội thành Hà Nội, không khó để bạn có thể cho thuê với mức giá từ 10 -16 triệu/ tháng.

Hương đặt giả thiết bạn cho thuê căn hộ với giá 13 triệu/ tháng.

Ta có bảng tính dòng tiền như sau:

Có nên mua nhà trả góp?
Hình 4. Cho thuê nhà với giá 13 triệu/ tháng – Có nên mua nhà trả góp?

Đây là kịch bản sáng sủa nhất trong 3 kịch bản kể trên. Ngôi nhà sẽ cho bạn thu nhập đều đặn hàng tháng, càng ngày càng tăng thêm. Như vậy, ngôi nhà này sẽ đóng vai trò là một tài sản sinh lời liên tục cho bạn.

Đến năm thứ 6, căn nhà đã được hoàn vốn 500 triệu.

Cũng giống kịch bản ở trên, còn một số phát sinh khác mà chúng ta chưa kể tới ở đây như: phí vệ sinh, phí quản lý chung cư, phí sửa chữa bảo dưỡng nếu có phát sinh.

Đây là một trong những cách được các chuyên gia đánh giá và chia sẻ lời khuyên đến những người có ý định khiến tiền đẻ ra tiền trong tương lai.

Đây là một cách đầu tư thông minh dành cho số 500 triệu của bạn.

Hữu ích cho bạn:

Hai nguyên tắc dành cho bạn khi cân nhắc việc có nên mua nhà trả góp

Để tránh sa lầy vào những rắc rối tài chính, bạn cần nắm rõ hai nguyên tắc khi mua nhà trả góp dưới đây.

Nguyên tắc thứ 1: Số tiền vay ngân hàng không quá 50% giá trị căn hộ

Nghĩa là bạn nên tích lũy ít nhất 50% giá trị căn hộ, rồi hãy tính đến phương án mua trả góp. Điều này giúp bạn không quá áp lực và gánh nặng với con số đang nợ cũng như trả lãi hàng tháng.

Giống như trường hợp của người phụ nữ ở trên, khi có trong tay 500 triệu. Vậy cô ấy nên mua một căn nhà trong khoảng 500 triệu – 1 tỷ. Việc sở hữu căn nhà như vậy là hoàn toàn khả thi và phù hợp với nguyên tắc tích lũy tài sản, tiền đẻ ra tiền.

Hữu ích dành cho bạn: Bí mật thẻ tín dụng – 8 nguyên tắc sử dụng thẻ tín dụng

Nguyên tắc thứ 2: Bảng tính dòng tiền là căn cứ quan trọng để ra quyết định

Có rất nhiều người nghĩ rằng một ngôi nhà là một tài sản lớn của bản thân, nhưng khi nhìn vào bảng tính dòng tiền chúng ta mới biết chính xác nó có là một tài sản không.

Những con số luôn biết nói và rất trung thực, đừng phớt lờ chúng.

Hữu ích dành cho bạn: Hé lộ bí mất của lãi suất kép – Công cụ cho sự giàu có

Tóm lại

Như vậy bài toán Có nên mua nhà trả góp đã có lời giải.

Mua nhà là một việc quan trọng, bạn cần có sự tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị cho kế hoạch tiết kiệm cũng như chi tiêu. Và cân nhắc đến khả năng tạo ra nguồn thu nhập mới, để tránh gánh nặng trả nợ quá lớn hoặc ngập mình trong cuộc sống nợ nần mệt mỏi. Hãy tỉnh táo!

Hi vọng những hướng dẫn của Hương về cách làm việc với những con số đã cho bạn thêm một căn cứ để ra quyết định mua nhà.

Bài viết hữu ích cho bạn:

Chúc bạn một ngày đáng giá!

Hương Nguyễn – Phụ Nữ Tự Do.


Nếu bạn thấy nội dung này là có giá trị, hãy mời Hương một cốc cafe nhé!

Số tài khoản: 19037057180015
Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Thu Hương
Ngân hàng Techcombank chi nhánh Tân Bình

Write a Comment