Chào cô gái,
Một trong những câu nói mà Hương rất thích khi đọc cuốn Cha giàu cha nghèo của Robert T.Kiyosaki đó là:
“Nếu bạn tham gia vào thị trường chứng khoán khi bạn không có đủ thông tin và kiến thức thì nó chẳng khác gì việc bạn bỏ tiền vào chiếu bạc vậy.”
Bài viết này Hương sẽ mang đến cho các chị em những khái niệm cơ bản về chứng khoán. Đây sẽ là những kiến thức tài chính nền tảng giúp bạn biết rằng bạn đang mang tiền đi đầu tư hay đi đánh bạc?
10 khái niệm cơ bản về chứng khoán nhất định phải biết dành cho bất cứ nhà đầu tư nào khi tham gia vào thị trường chứng khoán:
- Cách các công ty phát hành cổ phiếu và huy động vốn
- Tỉ lệ sở hữu – Equity
- Cổ phần, cổ phiếu (Share, Stock)
- Cổ đông (Shareholder)
- Cổ tức (Dividend)
- Vốn hóa thị trường (Market Capitalization)
- Pre-money là gì? Post-money là gì?
- EPS là gì?
- P/E là gì?
Cùng Hương bắt đầu tìm hiểu chi tiết nhé!
1. Cách các công ty phát hành cổ phiếu và huy động vốn
Nhắc lại một chút về khái niệm cổ phiếu mà chúng ta từng nói trong bài viết Phân biệt cổ phiếu – trái phiếu – chứng chỉ quỹ nhé!
Theo Luật chứng khoán năm 2019, cổ phiếu được giải thích như sau:
Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
Khái niệm cơ bản về chứng khoán
Hiểu một cách đơn giản như sau:
Cổ phiếu gắn liền với sự ra đời của công ty cổ phần. Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia đều thành nhiều phần bằng nhau, gọi là cổ phần. Người sở hữu cổ phiếu gọi là cổ đông.
1.1. Vốn trong công ty cổ phần
Vốn trong công ty cổ phần bao gồm: vốn chủ sở hữu (vốn tự có – “của nhà trồng được”) và vốn tín dụng (vốn vay).
- Vốn chủ sở hữu: nguồn vốn thuộc vào sở hữu của công ty, có thể là tiền mặt hoặc tài sản do cổ đông góp vào, được huy động bởi số tiền ban đầu góp, hoặc chuyển đổi từ lợi nhuận để tài đầu tư vào công ty, hoặc thông qua việc phát hành cổ phiếu.
- Vốn tín dụng: là các khoản vay dưới các hình thức như: vay ngân hàng, vay các cá nhân hoặc tổ chức hoặc vay thông qua việc phát hành trái phiếu.
1.2. Cách phát hành cổ phiếu và huy động vốn
Để giúp bạn có thể hình dung về quá trình phát hành cổ phiếu và huy động vốn của một công ty, Hương sẽ lấy một ví dụ để giải thích cho quá trình này.
Ví dụ mô phỏng quá trình phát hành cổ phiếu và huy động vốn
Ví dụ như Hương, anh Việt Anh và anh Phụng cùng góp vốn mở Công ty cổ phần Phụ Nữ Tự Do với tỷ lệ vốn góp là 30% – 30% – 40% (tỷ lệ này là tỷ lệ sở hữu của mỗi người), tổng số tiền góp vào là 3 tỷ đồng. Tương đương với số tiền thực góp của mỗi người lần lượt là Hương 900 triệu, anh Việt Anh 900 triệu, anh Phụng 1,2 tỷ đồng.
Lúc này, Hương, anh Việt Anh và anh Phụng giữ vai trò là Co-Founder của công ty (Đồng sáng lập).
Sau khi hoạt động đc 2 năm, đánh giá được tiềm năng phát triển và mong muốn phát triển lớn mạnh và nhanh chóng hơn, công ty cần thêm vốn đầu tư để có thể mở rông quy mô.
Như vậy, để có thêm vốn, Công ty Cổ phần PNTD có thể thức hiện các hình thức huy động vốn để tăng thêm vốn chủ sở hữu hoặc vốn tín dụng.
- Nếu tăng vốn chủ sở hữu: hoặc là các Co-Founder góp thêm vốn của mình vào hoặc là có thêm sự tham gia của một cổ đông mới.
- Nếu tăng vốn tín dụng: Công ty đi vay bên ngoài và trả một phần lãi định kỳ.
Đặt giả thiết Công ty Cổ phần Phụ Nữ Tự Do sẽ gọi vốn bên ngoài thay vì đi vay hoặc Co-Founder góp thêm vốn. Lúc này xuất hiện một chị Vân muốn góp vốn vào công ty PNTD. Chị Vân này đồng ý góp số vốn là 3 tỷ vào công ty PNTD.
Lúc này, có thể bạn sẽ nghĩ rằng tỷ lệ phân chia sẽ thành: Hương (900 triệu – 15%) – anh Việt Anh (900 triệu – 15%) – anh Phụng (1,2 tỷ – 20%) – chị Vân (3 tỷ – 50%) thì bạn SAI rồi.
Chia thế này thì thằng còng lưng ra thành lập và vận hành công ty có mà ăn cám lợn.
Tỷ lệ cổ phần công ty sẽ được chia lại như sau:
- Định giá lại công ty
- Chia tỷ lệ sở hữu lại theo định giá mới
Định giá là gì? Đây là câu chuyện mà chị em sẽ thấy nhiều trên Shark Tank.
Định giá doanh nghiệp hiểu đơn giản là xác định giá trị của doanh nghiệp.
Kiểu như các ông đi mua cái áo ngoài chợ ý, người bán hàng bảo 5 lít, nhưng mà ông thấy áo này chỉ đáng giá 3 lít… sau khi thương lượng thì cuối cùng giá cái áo được bán là 4 lít, hoạt động này chính là hoạt động định giá.
Quay lại cái công ty PNTD nhé! Hương, Việt Anh, anh Phụng và chị Vân sẽ ngồi xuống để định giá lại doanh nghiệp của chúng tôi (có thể sẽ mời thêm chuyên gia tài chính, luật, kế toán…), sau khi xem xét tài sản – tiêu sản, dòng tiền, tiềm năng, đối thủ cạnh tránh, sản phẩm, ý tưởng, chi phí hoạt động, kiểm định luôn “nhân phẩm” và năng lực của 3 Co-Founder => định giá công ty sau khi góp thêm 3 tỷ của chị Vân là 15 tỷ chẳng hạn.
Từ đây, chị Vân nhảy vào với 3 tỷ thì tức là chị Vân sẽ được sở hữu là 20% giá trị công ty.
Câu hỏi đặt ra là: 20% của chị Vân lấy tư đâu?
20% này sẽ lấy từ việc cắt mỗi cổ đông trước đó một phần 20% của số cổ phần họ đang nắm giữ. Tức là:
- Số cổ phần Hương nắm giữ sẽ giảm xuống là 20%*30%=6%. Khi đó số cổ phần của Hương sẽ là 24% tương ứng với giá trị sở hữu công ty là 3,6 tỷ (Tăng trưởng gấp 4 lần số vốn góp ban đầu).
- Số cổ phần anh Việt Anh nắm giữ sẽ giảm xuống là 20%*30%=6%. Khi đó số cổ phần của anh Việt Anh là 24% tương ứng với giá trị sở hữu công ty là 3,6 tỷ (Tăng trưởng gấp 4 lần số vốn góp ban đầu).
- Số cổ phần của anh Phụng nắm giữ sẽ làm xuống là 20%*40%=8%. Khi đó số cổ phần còn lại của anh Phụng là 32%, tương ứng với giá trị sở hữu công ty là 4,8 tỷ (Tăng trưởng gấp 4 lần số vốn góp ban đầu.)
Đến đây, có lẽ bạn sẽ hiểu tại sao trên chương trình Shark Tank, các nhà đầu tư và Founder công ty cứ mặc cả qua lại vấn đề % cổ phần sau góp vốn từng chút một rồi chứ.
Bởi số % góp vào cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới quyền quyết định và kiểm soát trong một công ty. Phần này Hương sẽ chia sẻ ở một bài viết khác nhé.
Giả sử thời điểm đó, ta tính công ty được chia thành 10 phần bằng nhau tương đương với 10 cổ phần, thì giá trị mỗi cổ phần là 1 tỷ.
Tương tự như vậy, thì khi công ty phát hành cổ phiếu đại chúng, cách định giá và chia tỷ lệ cổ phần cũng như giá cổ phiếu sẽ được tính như trên.
Giá dụ công ty định giá là 100 tỷ, phát hành 10.000.000 cổ phiếu => giá trị mỗi cổ phiếu là 10.000 đồng.
Khi công ty phát hành cổ phiếu ra thị trường như vậy thì giá trị công ty sẽ được định giá bởi thị trường.
Ví dụ như bạn nhảy vào mua 1 cổ phiếu của công ty chúng tôi với giá là 16.000đ/ cổ => giá công ty sẽ thay đổi thành 160 tỷ, con số này gọi là giá trị vốn hóa thị trường của công ty.
Chính vì sự vận hành này mà một vài thông tin tốt hoặc xấu sẽ ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, từ đó quyết định việc học bán vội hay giữ cố phiếu trong tay => ảnh hưởng tới cung – cầu trên thị tường => giá cổ phiếu bị ảnh hưởng rất lớn.
1.3. Kết luận
Sau ví dụ này, chị em có thể hình dung ra được cách một công ty phát hành cổ phiếu và huy động vốn đầu tư rồi phải không? Từ ví dụ trên chúng ta cũng dễ dàng hình dung ra các khái niệm bên dưới.
2. Tỉ lệ sở hữu – Equity
Tỷ lệ sở hữu là tỷ lệ cổ phần mà cổ đông sở hữu.
Dựa trên ví dụ trên.
Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trước khi chị Vân đầu tư là:
- Hương: 30%
- Việt Anh: 30%
- Phụng: 40%
Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sau khi chị Vân đầu tư:
- Hương: 24%
- Việt Anh: 24%
- Phụng: 32%
- Vân: 20%
3. Cổ phần, cổ phiếu – Share, Stock
3.1. Định nghĩa cổ phiếu và cổ phần
Theo Wikipedia,
Cổ phần (share) là phần vốn nhỏ nhất của công ty cổ phần. Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần.
Khái niệm cơ bản về chứng khoán
Ví dụ: Công ty Cổ phần PNTD trị giá 15 tỷ, được chia nhỏ thành 15.000.000 phần, tương đương với 15.000.000 cổ phần, giá trị của mỗi cổ phần là 1000 đồng.
Cổ phiếu (stock) là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Khái niệm cơ bản về chứng khoán
Ví dụ: Cũng ví dụ trên, Công ty cổ phần PNTD trị giá 15 tỷ, được chia thành 15.000.000 cổ phần, khi đó cổ phiếu là một loại chứng chỉ đại diện cho mỗi cổ phần. Nói một cách đơn giản, khi Hương nói: Hương đang sở hữu 15 cổ phiếu của công ty, tức là bạn hiểu rằng Hương đang sở hữu 15 phần nhỏ trong 15.000.000 cổ phần của công ty, tương đương với 15.000 đồng giá trị công ty.
Như vậy, về cơ bản thì cổ phần và cổ phiếu có ý nghĩa giống nhau. Tuy nhiên, có một vài quy ước ngầm khi nhắc về cổ phần và cổ phiếu.
3.2. Một số quy ước ngầm của cổ phần (share) và cổ phiếu (stock)
1. Cổ phần thường đi theo tỷ lệ phần trăm. Cổ phiếu thường đi theo số lượng.
Ví dụ:
- Thường người ta sẽ nói: Tôi đang nắm giữ 15% cổ phần thay vì nói tôi đang nắm giữ 15% cổ phiếu.
- Hoặc: Tôi đang sở hữu 2000 cổ phiếu thay vì nói tôi đang nắm giữ 2000 cổ phần.
2. Cổ phiếu thường dùng với các công ty, tập đoàn lớn. Cổ phần được dùng nhiều trong trường hợp.
3. Công ty tư nhân thường dùng khái niệm cổ phần. Cổ phiếu được dùng chủ yếu ở các công ty đại chúng (công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán)
4. Cổ đông – Shareholder
Theo Wikipedia,
Người sở hữu cổ phần được gọi là cổ đông.
Khái niệm cơ bản về chứng khoán
Ví dụ:
- Bạn góp vốn vào của Công ty cổ phần Phụ Nữ Tự Do, bạn là cổ đông của Công ty PNTD.
- Bạn mua cổ phiếu của công ty FPT, bạn là cổ đông của công ty FPT.
Một người có thể cùng lúc là cổ đông của nhiều công ty, không phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu mà người đó nắm giữ.
5. Cổ tức – Dividend
Theo Wikipedia,
Cổ tức (Dividend) là một phần lợi nhuận sau thuế được chia cho các cổ đông của một công ty cổ phần. Cổ tức có thể được trả bằng tiền, cổ phiếu.
Khái niệm cơ bản về chứng khoán
Lợi nhuận ròng, còn được gọi là lãi thuần, thu nhập ròng hoặc lãi ròng là thước đo lợi nhuận của một liên doanh sau khi hạch toán tất cả các chi phí và thuế. Đó là lợi nhuận thực tế, và bao gồm các chi phí hoạt động được loại trừ khỏi lợi nhuận gộp
Khái niệm cơ bản về chứng khoán
Ví dụ:
Công ty cổ phần Phụ Nữ Tự Do tổng kết năm 2021 thu về lợi nhuận ròng là 2 tỷ, công ty quyết định sẽ chia cổ tức cho các cổ đông là 50% lợi nhuận ròng, tương đương với 1 tỷ đồng và giữ lại 50% để đầu tư. Vậy, các cổ đông của công ty sẽ được nhận cổ tức tương ứng như sau:
- Hương nắm giữ 24% cổ phần, nhận được số cổ tức = 24%*1 tỷ= 240 triệu
- Việt Anh năm giữ 24% cổ phần, nhận được số cổ tức là 240 triệu
- Phụng nắm giữ 32% cổ phần, nhận số cổ tức là 320 triệu
- Vân nắm giữ 20% cổ phần, nhận số cổ tức là 200 triệu.
Dựa vào số % cổ phần sở hữu, ta sẽ tính được số tiền lợi nhuận nhân được của các cổ đông.
Trên thực tế, các công ty có thể quyết định chia cổ tức hoặc không nhằm giữ lại vốn để tài đầu tư. Thường trong dài hạn, các nhà đầu tư cũng sẽ mong muốn công ty tái đầu tư để mở rộng và sinh ra lợi nhuận nhiều hơn. Việc này giống như việc bạn mua một mảnh đất trong nhiều năm, bạn sẽ có kỳ vọng mảnh đất tăng giá nhiều hơn theo thời gian. Việc tái đầu tư cũng khiến cho giá trị công ty lớn dần lên.
6. Giá trị vốn hóa thị trường – Market Capitalization
Theo Wikipedia,
Giá trị vốn hoá thị trường (tiếng Anh: market capitalisation, hoặc rút ngắn market cap, còn gọi là giá trị theo thị trường chứng khoán hay còn gọi là “vốn hóa”) là tổng giá trị của số cổ phần của một công ty niêm yết. Đây là sản phẩm có giá trị thị trường của tổng giá trị của số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Các cổ phiếu tự nắm giữ không được tính đến trong việc tính toán vốn hóa thị trường
Khái niệm cơ bản về chứng khoán
Công thức tính như sau:
Ví dụ:
Giá cổ phiếu của FPT ngày 1/6/2022 là 100.000 đồng, FPT phát hành 15.000.000 cổ phiếu => Giá trị vốn hóa thị trường của FPT tại thời điểm là 1.500.000.000 đồng
7. Pre-money là gì? Post-money là gì?
7.1. Pre-money là gì?
Pre-money là giá trị công ty trước khi gọi vốn.
Khái niệm cơ bản về chứng khoán
Ví dụ:
Nếu công ty cổ phần Phụ Nữ Tự Do được định giá TRƯỚC khi gọi vốn từ nhà đầu tư là chị Vân là 15 tỷ đồng (Pre-money), và chị Vân đầu tư thêm là 3 tỷ đồng. Như vậy giá trị SAU có thêm chị Vân đầu tư là 18 tỷ đồng (Post-money).
7.2. Post-money là gì?
Post-money là giá trị công ty sau khi gọi vốn.
Khái niệm cơ bản về chứng khoán
Công thức tính Post-money:
Ví dụ:
Nếu công ty cổ phần Phụ Nữ Tự Do được định giá SAU khi gọi vốn từ nhà đầu tư là chị Vân là 15 tỷ đồng (Pre-money), và chị Vân đầu tư thêm là 3 tỷ đồng. Như vậy giá trị TRƯỚC có thêm chị Vân đầu tư là 12 tỷ đồng (Post-money).
So sánh giữa pre-money và post-money
Cùng một số vốn giống nhau, nhưng với từng cách định giá theo trước và sau gọi vốn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị công ty cũng như tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư.
Dưới đây là bảng so sánh:
8. EPS là gì?
EPS là viết tắt của Earning Per Share, đây là một chỉ số đại diện cho lợi nhuận của công ty trên tổng số cổ phiếu mà công ty đó phát hành.
EPS là chỉ số thể hiện cho sự kiếm lời của một doanh nghiệp. EPS là chỉ số quan trọng duy nhất trong việc tính giá cổ phiếu. Đây cũng là bộ phận trọng trong việc cấu thành nên chỉ số P/E.
Công thức tính EPS như sau:
Ví dụ:
Tổng số cổ phiếu được phát hành của Công ty A là 100.000 cổ phiếu. Lợi nhuận năm 2021 thu về là 1.000.000 USD. Số cổ tức cổ phiếu ưu đãi phải trả là 200.000 USD. Tức là còn 800.000 USD. Chỉ số EPS của công ty A sẽ là 8 USD, hay còn gọi là thu nhập trên một cổ phiếu của công ty A.
Từ đây có thể hiểu rằng, chỉ số EPS càng cao thì công ty hoạt động càng hiệu quả.
Hiện nay, một số doanh nghiệp có thể lợi dụng các kỹ thuật tính toán để đưa ra con số EPS hấp dẫn nên các nhà đầu tư vẫn cần tìm hiểu rõ ràng các con số thông qua phân tích tài chính và các chỉ số khác.
9. P/E là gì?
Quay lại với chỉ số P/E (Price to Earning) công thức tính P/E như sau:
Ví dụ:
Công ty A đang có EPS là 8 USD, giá thị trường của cổ phiếu công ty là 80 USD. Như vậy P/E của công ty A là 10 lần.
Giá thị trường là số tiền mà người ta sẵn sàng trả cho công ty A để được sở hữu cổ phần của công ty A. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào giao dịch mua bán của thị trường, giữa người mua và người bạn. Nó có thể vượt xa giá trị thực của cổ phiếu công ty.
Nói một cách đơn giản, chỉ số P/E thể hiện mức độ kỳ vọng của thị trường vào tiềm năng của công ty A. Chỉ số P/E đại điện cho việc các nhà đầu tư sẵn sàng trả gấp bao nhiêu lần so với tỷ suất lợi nhuận của công ty => Đại diện vào niềm tin của các nhà đầu tư vào tương lai của công ty.
10. P/B là gì?
P/B là viết tắt của Price to Book ratio, là chỉ số so sánh giá cổ phiếu với giá trị trên sổ sách của cổ phiếu đó.
P/B được tính theo công thức:
Trong đó:
- Vốn chủ sở hữu = Tổng giá trị tài sản – Tài sản cố định vô hình – Nợ phải trả
- Giá trị ghi trên sổ sách của 1 cổ phiếu = Vốn chủ sở hữu/ số lượng cổ phiếu đang lưu hành
Ví dụ:
Giả sử một công ty có giá trị tài sản ghi nhận trên bảng cân đối kế toán là 300 tỷ VND, tổng nợ 120 tỷ VND, như vậy giá trị ghi sổ của công ty là 180 tỷ. Công ty có 3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, như vậy giá trị ghi sổ của mỗi cổ phiếu là 60.000 VNĐ. Giá trị thị trường của cổ phiếu là 120.000 VNĐ. Chỉ số P/B của cổ phiếu được tình như sau:
P/B = 120.000/60.000 = 2
P/B = 2 nghĩa là thị giá cổ phiếu của công ty đó trên sàn chứng khoán cao gấp 2 lần giá trị sổ sách của cổ phiếu đó.
P/B càng cao thể hiện mức độ kỳ vọng của thị trường đối với cổ phiếu đó.
Tổng kết
Trên đây là 10 khái niệm cơ bản về chứng khoán mà bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia vào thị trường chứng khoán cũng cần hiểu rõ.
Hi vọng những kiến thức tài chính mà Hương chia sẻ trong bài viết khái niệm chứng khoán cơ bản này đã giúp chị em có thêm những hiểu biết về thị trường để đánh giá và phân tích bằng lý trí khi đầu tư.
Hiện Hương đang đầu tư tại 2 ứng dụng đầu tư chứng khoán là TCInvest và Infina. Thông tin về 2 ứng dụng này Hương đã chia sẻ rất kỹ trong các bài viết trước đây.
Bạn sẽ quan tâm:
- Hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán tại TCBS chỉ với 3 phút 100% online
- Review app Infina chi tiết đầy đủ từ A tới Z
Quà tặng đặc biệt hành cho các độc giả của Phụ Nữ Tự Do khi mở tài khoản hoặc tải app theo link giới thiệu của Hương, bạn sẽ nhận quà ưu đãi siêu khủng lên tới 2.000.000 tiền mặt với Infina và miễn phí giao dịch chứng khoán tại TCInvest trong hạn mức 500 triệu đầu tiên cùng các ưu đãi và hỗ trợ khác từ Hương.
Bắt đầu ngay những mã chứng khoán đầu tiên của bạn.
Chúc bạn với những thương vụ thành công!
Hương Nguyễn – Phụ Nữ Tự Do.