Tài sản và tiêu sản – Tư duy bí mật cho sự giàu có

Tài sản và tiêu sản

Tài sản và tiêu sản là gì? Chúng liên quan gì tới cuộc sống của chúng ta?

Trước khi bàn sâu hơn về khái niệm tài sản và tiêu sản, Hương xin nhắc lại một bài toán từng gây xôn xao một thời trên mạng xã hội về vấn đề đầu tư tiền mua nhà nhé.

Tôi là một phụ nữ độc thân, 30 tuổi, hiện nay tôi đang sống cùng ở nhà của bố mẹ tại Hà Nội. Tôi rất hài lòng với những gì mình đang có với công việc ổn định với mức lương 15 triệu/ tháng. Tôi tiết kiệm được 500 triệu là vốn tích cóp sau 8 năm làm việc chăm chỉ và nỗ lực làm việc. Với tình hình đồng tiền trượt giá như hiện nay, tôi nghĩ mình nên đầu tư mua nhà thay vì để tiền nằm yên trong ngân hàng. Tôi đã tìm thấy một căn nhà thuộc chung cư mini ở gần Ngã Tư Sở – Hà Nội với 2 phòng ngủ, 1 phòng khách có giá 1 tỷ. Liệu tôi có nên đầu tư để mua nhà trả góp?”

Có rất nhiều bài phân tích trái chiều về việc nên mua nhà trả góp hay không? Có ba nhận định nổi bật xuất hiện về thắc mắc này.

  • Nhóm thứ nhất cho rằng, khi có sẵn một khoản tiền đủ đặt cọc và tìm được căn nhà ưng ý, hãy chớp lấy thời cơ mua nhà trả góp trong nhiều năm, khi đó ta sẽ có một tài sản cho riêng mình.
  • Nhóm thứ hai có ý kiến hoàn toàn trái ngược. Họ tín chắc rằng đây sẽ là một khoản đầu tư thua thiệt, bởi những phát sinh chi phí trong quá trình trả góp cũng như việc mất giá của ngôi và đồng tiền.
  • Nhóm thứ ba trung lập hơn, họ nhận định tùy từng trường hợp khác nhau mà việc mua nhà trả góp sẽ là ý tưởng hay hoặc tồi.

Vậy đâu sẽ là đáp án cho bài toán trên, câu trả lời sẽ sáng tỏ khi bạn hiểu đúng về khái niệm tài sản và tiêu sản cũng như vòng quay của tiền mặt.

Trong bài viết này, Hương sẽ giúp bạn có đáp án cho bài toán trên.

Nghe trên: Apple Podcast | Spotify | Goole Podcast | Youtube Podcast

Phân biệt tài sản và tiêu sản

Để phân biệt tài sản và tiêu sản, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem khái niệm của tài sản và tiêu sản là gì? Và chúng vận hành như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?

Khái niệm tài sản và tiêu sản

Khái niệm tài sản và tiêu sản lần đầu được Robert T.Kiyosaki nhắc đến trong bộ sách vô cùng nổi tiếng và giá trị của ông, bộ Cha giàu cha nghèo – Rich dad, poor dad cách đây hơn 20 năm về trước.

Bộ sách được đón nhận vô cùng nồng nhiệt và truyền cảm hứng cho hàng triệu người thực hiện giấc mơ tự do tài chính trên toàn thế giới bởi các nhận định thực tế và chính xác.

Theo đó, ông chia sẻ rằng:

“Người giàu kiếm được tài sản. Người nghèo và người trung lưu chỉ thu được tiêu sản, nhưng họ nghĩ rằng họ kiếm được tài sản”

Vậy tài sản và tiêu sản là gì?

Sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản?

Theo Robert T.Kiyosaki: “Tài sản bỏ tiền vào túi các con, còn tiêu sản lấy tiền từ túi của các con.”

Hiểu đơn giản thì:

  • Tài sản: Là những thứ sinh thêm tiền cho bạn, bạn sẽ có thu nhập từ chúng. Ví dụ như: Tiền bản quyền tác giả, tiền lợi tức, bất động sản cho thuê, kênh Youtube kiếm ra tiền, Blog kiếm ra tiền,…
  • Tiêu sản: Là những thứ tiêu tiền của bạn, lấy đi một phần thu nhập của bạn. Ví dụ như: Xe máy sẽ lấy đi tiền của bạn để đổ nhiên liệu, bảo dưỡng hoặc sửa chữa, các khoản vay tín dụng, tiền vay ngân hàng…

Một hàng hóa có thể là tiêu sản hoặc tài sản tùy thuộc vào cách sinh tiền hoặc tiêu tiền của nó. Hay nói cách khác, nó phụ thuộc vào biểu đồ vòng quay tiền của hàng hóa đó.

Để hình dung rõ hơn, hãy nhìn vào 2 mô hình bên dưới.

Mô hình vòng quay của tài sản

Tài sản và tiêu sản
Hình 1. Vòng quay của một tài sản – Phân biệt tài sản và tiêu sản

Nhìn trên mô hình, có thể dễ dàng hình dung tài sản tạo ra thu nhập, và được thêm vào báo cáo thu nhập. Chúng cho thấy, tài sản là một hàng hóa sinh lời, bởi vậy muốn giàu có cần tìm cách sở hữu nhiều tài sản.

Mô hình vòng quay của tiêu sản

Tài sản và tiêu sản
Hình 2. Vòng quay của một tiêu sản – Phân biệt tài sản và tiêu sản

Tiêu sản sinh ra chi phí, chi phí này sẽ mất ra bên ngoài thay vì chảy vào túi bạn. Bởi vậy, khi bạn sở hữu càng nhiều tiêu sản (nhiều hơn tài sản), bạn càng nghèo.

Tư duy “giàu” – “nghèo” đối với tài sản và tiêu sản

Nếu bạn muốn trở nên giàu có, hãy mua tài sản. Nếu bạn muốn trở nên nghèo đi, hãy mua tiêu sản. Chính vì không phân biệt được sự khác nhau này mà nhiều người gặp các rắc rồi về tài chính.

Nhiều người không thể trở nên giàu có không phải vì họ không kiếm ra tiền mà vì họ dùng tiền để mua tiêu sản thay vì tài sản.

Hữu ích với bạn: Bí mật về tiền bạc mà bạn không được học tại nhà trường

Vòng quay tiền mặt

Dưới đây là vòng quay tiền mặt của của 3 nhóm người: người nghèo, người trung lưu, người giàu.

Vòng quay tiền mặt của bạn là hình nào trong 3 hình ở trên?

Giờ thì bạn biết bạn vì sao bạn chưa giàu có thật sự rồi chứ? Hầu hết khó khăn tài chính người ta gặp là do họ không hiểu được vòng quay tiền mặt.

Hương đã từng nằm trong hình 3 – vòng quay của người nghèo. Khi nhận thức được điều này, Hương đã tìm cách để sở hữu tài sản của riêng mình. Như bạn biết đó, ngoài website này Hương còn sở hữu một Blog chuyên review sách của riêng mình, và nó đã giúp Hương có thêm thu nhập hàng tháng.

Rõ ràng, nhìn vào vòng quay tiền mặt, ta có thể hiểu được tài sản giúp chúng ta kiếm tiền còn tiêu sản “giúp” chúng ta tiêu tiền.

Hương nghĩ, tới đây điều cần bàn luận không còn là tài sản và tiêu sản khác nhau như thế nào? Mà làm sao để sở hữu tài sản?

Bài tập dành cho bạn

Hãy liệt kê những tài sản mà bạn mơ ước có được.

Hãy viết chúng ra và chúng ta sẽ cùng bàn luận về việc làm sao để sở hữu chúng ở những bài viết tiếp theo nhé!

Vậy có nên mua nhà trả góp?

Sau khi hiểu rõ về tài sản và tiêu sản, bài toán của cô nàng độc thân 30 tuổi ở trên đã dễ dàng hơn rất nhiều rồi phải không.

Việc có nên mua nhà trả góp hay không phụ thuộc vào ngôi nhà trả góp đó là tài sản hay tiêu sản.

  • Nếu bạn mua ngôi nhà đó để ở. Hằng ngày nỗ lực làm việc, chắt bóp chi tiêu, cắt giảm bớt mĩ phẩm dưỡng da, bỏ bớt những chuyến du lịch hoặc cắt hẳn những buổi spa làm đẹp chỉ để trả lãi hàng tháng. Vậy thì ngôi nhà trả góp đó rõ ràng đang là một tiêu sản “chính hiệu” rồi đó cô gái.
  • Nếu bạn mua ngôi nhà, sau đó cho thuê. Với mức thuê hàng tháng, bạn chỉ cần trả một phần tiền trả góp mỗi tháng, ít hơn khoản ở trên. Thì tôi cũng xin chúc mừng bạn, ngôi nhà ấy cũng chính là hiện thân của một tiêu sản.
  • Nếu bạn mua ngôi nhà, sau đó cho thuê. Mức thuê hàng tháng đủ để bạn trả tiền góp mỗi tháng, đồng thời dư ra một khoản. Bạn thấy đó, bạn có thu nhập từ ngôi nhà, đây chính xác là một tài sản xứng đáng được xuống tiền. Mạnh dạn lên nào cô gái.

Bài toán đã được giải quyết. Chúc cô gái của chúng ta có một quyết định sáng suốt nhé.

Bạn sẽ được hướng dẫn lời giải chi tiết cho bài toàn này dựa trên bảng tính dòng tiền tại bài viết: Có 500 triệu, có nên mua nhà trả góp không?

Tổng kết

Tài sản giúp ta kiếm tiền, tiêu sản giúp ta tiêu tiền.

Tư duy tìm cách “kéo dài” cột tài sản là bước khởi đầu trên hành trình độc lập tài chính và cuộc sống tự do của mọi cô gái.

Từ bây giờ hãy cân nhắc những chi tiêu của bạn trong cuộc sống thường ngày nhé:

  • Nên mua trà sữa hay mua sách quản lý tài chính?
  • Nên mua váy hàng hiệu hay mua đồ phù hợp với dáng người?
  • Nên ăn tiệm hay tự nấu nướng?
  • Nên mở thẻ tín dụng hay chi tiêu trong khoản thu nhập kiếm được?
  • Nên đổi điện thoại theo trend hay dùng một chiếc điện thoại bền đẹp?

Người giàu vẫn có tiêu sản, nhưng số tiêu sản của họ thật sự chẳng thấm vào đâu so với tài sản. Trước khi họ bỏ tiền để mua tiêu sản, danh sách tài sản của họ đã dài gấp cả chục lần như vậy rồi.

Trước khi mua một hàng hóa nào đó mà có thể bạn cho nó là tài sản, hãy nhớ lại một lần về khái niệm tài sản và tiêu sản để chắc rằng, bạn đang đầu tư đúng đắn.

Bài viết hữu ích cho bạn:

Hi vọng những kiến thức tài chính này sẽ giúp bạn tự tin trong hành trình tiến tới mục tiêu tự do tài chính. Để lại suy nghĩ của bạn về bài viết này ở dưới mục bình luận nhé!

Chúc bạn một ngày đáng giá!

Hương Nguyễn – Phụ Nữ Tự Do.


Nếu bạn thấy nội dung này là có giá trị, hãy mời Hương một cốc cafe nhé!

Số tài khoản: 19037057180015
Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Thu Hương
Ngân hàng Techcombank chi nhánh Tân Bình.

Write a Comment