Hành trình tự do – Quản lý chi tiêu như thế nào? 4 bước lập kế hoạch chi tiêu cá nhân hiệu quả và dễ dàng

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Chào cô gái,

Ở bài viết trước (3 bước theo dõi thu chi cá nhân), Hương đã hướng dẫn bạn cách đo lường được dòng tiền của bạn sao cho hiệu quả và khoa học. Đây là bước đệm giúp bạn nhìn thấy toàn cảnh hiện trạng tài chính của cá nhân mình.

Trong bài viết hôm nay, Hương sẽ hướng dẫn bạn lập kế hoạch chi tiêu cá nhân thông qua việc xử lý những số liệu mà bạn đã thu được từ việc theo dõi thu chi cá nhân của mình.

Nếu bạn đã mở Google và gõ tìm kiếm:

  • Cách lên kế hoạch quản lý tiền bạc?
  • Lên kế hoạch chi tiêu như thế nào?
  • Quản lý tài chính cá nhân nên bắt đầu từ đâu?
  • Kế hoạch chi tiêu cá nhân?
  • Kế hoạch quản lý tài chính cá nhân?
  • Quản lý chi tiêu là gì?
  • Kế hoạch quản lý chi tiêu cá nhân?

Bài viết này, sẽ trả lời toàn bộ cho những thắc mắc của bạn về việc lập kế hoạch chi tiêu cá nhân.

Chúng ta bắt đầu nhé!

Quản lý chi tiêu là gì? Quản lý chi tiêu quan trọng như thế nào?

Quản lý chi tiêu cá nhân là việc bạn lập kế hoạch chi tiêu cá nhân một cách rõ ràng, khoa học và thực hiện nó một cách nghiêm túc, khiến mỗi đồng tiền bạn chi ra đều hợp lý và hữu ích cho cuộc sống hiện tại cũng như tương lai của bạn.

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Nếu như việc theo dõi thu chi cá nhân giúp bạn nhận biết rõ được tình hình tài chính của mình để lên phương án hoạch định lại tình hình tài chính cá nhân thì Quản lý chi tiêu chính là bước tiếp theo trong việc hoạch định tài chính cá nhân của bạn.

Quản lý chi tiêu cá nhân đặc biệt trong quan trọng trong hành trình tiến tới cuộc sống tự do – tự do tài chính, bởi 7 lý do sau:

  1. Rèn luyện thói quen có tránh nhiệm với việc quản lý tài chính cá nhân
  2. Sống có kỷ luật với kế hoạch tài chính của bản thân
  3. Trân trọng những gì mình có, sống với hiện tại và hướng về tương lai
  4. Nâng cao chỉ số thông minh về tài chính cá nhân
  5. Cắt bỏ những chi tiêu lãng phí từ đó cắt bỏ những thói quen xấu trong cuộc sống
  6. Tạo động lực trong cuộc sống và công việc, có nhiều động lực để lao động và phát triển bản thân nhằm nâng cao thu nhập
  7. Nâng cao chất lượng cuộc sống bởi những thói quen lành mạnh và tư duy tiến tới mục tiêu tự do tài chính

Nghe trên: Apple Podcast | Spotify | Youtube Podcast

4 bước lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

  • Bước 1. Theo dõi và rà soát thu chi cá nhân
  • Bước 2. Đặt hạn mức chi tiêu theo 4 quỹ
  • Bước 3. Thực hiện theo thứ tự ưu tiên
  • Bước 4. Đánh giá và cải tiến định kỳ

Bước 1. Theo dõi và rà soát thu chi cá nhân

Chúng ta cùng nhìn lại ví dụ ở bài viết Theo dõi thu chi cá nhân nhé:

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Giả sử, mức thu nhập trung bình tháng của bạn là 20 triệu VND. Sau khi theo dõi tình hình thu chi, bạn có được các con số như bảng ở trên.

Thường bạn nên lấy con số trung bình cộng từ 2-3 tháng sẽ tối ưu và hiệu quả nhất, bởi sẽ có những khoản chi xuất hiện ở tháng này những không xuất hiện ở tháng sau. Ví dụ như: mua mỹ phẩm, mua dầu gội, văn phòng phẩm, khóa học…

lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Nhìn ở bảng thông kê và biểu đồ báo cáo ở trên, chúng ta có được những đánh giá sơ bộ về tình hình tài chính của bạn như sau:

  • Phân chi tiêu nằm trong phạm vi thu nhập, không vượt quá số thu nhập bạn có được.
  • Chi tiêu thiết yếu chiếm 52% – một con số tốt
  • Chi tiêu cho nhóm lãng phí chiếm 22% tương đương với 4.500.000 vnd, con số này khá lớn.
  • Không có khoản chi cho phần tài chính dự phòng (tiết kiệm)
  • Không có khoản chi cho việc đầu tư dài hạn trong tương lai (đầu tư)
  • Biết đầu tư vào bản thân thông qua học hành, tập yoga, mua sách.

Xem thêm: 10 sai lầm trong quản lý tài chính cá nhân phụ nữ nên tránh

Từ những đánh giá ở trên, bạn có thể thấy 3 vấn đề nóng cần được cải thiện với bức tranh tài chính hiện tại của bạn:

  • Thiết lập tài khoản tiết kiệm
  • Thiết lập tài khoản đầu tư
  • Cắt bỏ nhóm lãng phí và phân bổ vào tài khoản tiết kiệm và đầu tư.

Có thể bạn sẽ hỏi Hương, vậy chúng ta không đi cafe, giao lưu với bạn bè sao?

Thôi nào cô gái, đây mới chỉ là bước đầu tiên trong hành trình tiến tới mục tiêu tự do tài chính thôi. Bạn sẽ được đi cafe, giao lưu với bạn bè, thậm chí là đi du lịch. Nhưng trước khi làm điều đó, chúng ta phải biết chắc chắn rằng bạn KHÔNG CÓ BẤT KỲ KHOẢN NỢ nào cần phải giải quyết.

Nếu bạn đang mắc phải nợ nần thì việc tiếp theo chúng ta sẽ làm là XÓA NỢ. Và bạn đang có sẵn còn số 4.500.000 đồng ở nhóm LÃNG PHÍ để thực hiện điều này, và nếu cần thiết bạn cũng có thể dùng cả số tiền ở nhóm NÊN CHI để dốc sức xóa nợ.

Nhưng theo Hương, nếu các khoản nợ của bạn không phải dạng nợ tín dụng, nợ xấu, hoặc nợ xã hội đen, nợ lãi suất cao (trên 10 %/năm) thì bạn không cần cắt nhóm NÊN CHI để xóa nợ.

Về cách xóa nợ như thế nào? Hương sẽ chia sẻ tại một bài viết khác tại Blog Phụ Nữ Tự Do, bạn hãy tiếp tục theo dõi Phunutudo.com nhé.

Đọc thêm: Những hiểu lầm về tự do tài chính cần loại bỏ ngay lập tức

Bước 2. Đặt hạn mức chi tiêu theo 4 quỹ

Sau khi có được những đánh giá về tình hình tài chính cá nhân hàng tháng, bạn sẽ cần tạo lập cho mình 4 quỹ dưới đây và tạo hạn mức cho chúng. Cụ thể như sau:

  1. Quỹ thiết yếu: tối đa 50% thu nhập
  2. Quỹ dự phòng: tối thiểu 10% thu nhập
  3. Quỹ đầu tư: 10% thu nhập
  4. Quỹ kế hoạch ngắn hạn: tối đa 30% thu nhập
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Hương sẽ giải thích về từng quỹ như sau:

1. Quỹ thiết yếu – 50%

Quỹ thiết yếu: là quỹ mà bạn bắt buộc phải chi ra để duy trì cuộc sống của mình như ăn, ở, đi lại, sinh hoạt… Mức chi tiêu tối thiểu.

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Theo rất nhiều mô hình và phương pháp quản lý tài chính cá nhân, cùng trải nghiệm của bản thân thì con số cho phần chi phí này nên nằm trong khoảng 50% – 55% thu nhập. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Hương thì con số này nên đặt tối đa là 50% thu nhập của bạn.

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
  • Nếu bạn có thu nhập 10 triệu, mà chi tiêu thiết yếu sau khi thông kê của bạn đang là 8 triệu thì Hương nghĩ bạn cần điều chỉnh ngay những khoản chi tiêu này. Ví dụ như đổi sang một căn nhà nhỏ hơn, ăn cơm bình dân thay vì đi nhà hàng thường xuyên, thay vì bắt taxi đi làm bạn có thể sử dụng dịch vụ công cộng hoặc xe máy…
  • Nếu bạn đang có thu nhập là 20 triệu và chi tiêu thiết yếu của bạn đang là là 8 triệu thì Hương nghĩ bạn cứ tiếp tục duy trì nếu như điều đó không làm bạn cảm thấy bất tiện. Số 2 triệu đồng còn lại kia bạn có thể phân bổ vào các quỹ còn lại của mình.

Bạn hãy cứ duy trì định mức cuộc sống của mình với hạn mức do chính bạn đặt ra, và con số này không quá 50% thu nhập của bạn. Phần thu nhập còn lại, chúng ta sẽ phân bổ vào 3 quỹ tiếp theo sau đây.

Đọc thêm: Bí mật về tiền bạc mà bạn không được học ở nhà trường

2. Quỹ dự phòng – 10%

Quỹ dự phòng (tiết kiệm): đây là khoản dự phòng cho những sự cố bất ngờ trong cuộc sống như bệnh tật, thất nghiệp…

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Đặc điểm hoạt động của quỹ dự phòng khác với quỹ thiết yếu ở chỗ: số tiền bạn thêm vào quỹ dự phòng này sẽ được cộng dồn mà không bị mất đi sau mỗi tháng.

Bởi vậy, sẽ có 2 con số đặt ra cho quỹ này mà bạn cần quan tâm.

1. Cần tích lũy bao nhiêu tiền cho quỹ dự phòng?

Do đặc thù quỹ này phục vụ cho trường hợp sự cố bất ngờ trong cuộc sống, nên số tiền quỹ phù hợp cho quỹ này sẽ được tính dựa trên số tiền của Quỹ thiết yếu bạn có.

Lấy ví dụ, bạn bất ngờ mất việc, vậy thì bạn sẽ mất đi thu nhập hàng tháng của mình. Để duy trì cuộc sống bạn cần có khoản tiền dự phòng đủ để duy trì cuộc sống cơ bản của bạn trong 3 -6 tháng, nhưng để an tâm hơn thì bạn nên lấy con số là 12 tháng.

Vậy số tiền của quỹ tiết kiệm được tính như sau:

Quỹ dự phòng = Quỹ thiết yếu * 12 tháng

lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
2. Mỗi tháng nên bỏ vào quỹ dự phòng bao nhiêu tiền?

Quỹ dự phòng là khoản tích lũy dài hạn, phòng ngừa cho sự cố tương lai. Bởi vậy, bạn chỉ cần tích tiểu thành đại, lâu dần bạn sẽ có được con số kỳ vọng của mình.

Số tiền dành cho quỹ dự phòng cần được trích tối thiểu 10% thu nhập hàng tháng của bạn.

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Ví dụ:

  • Thu nhập của bạn là 10 triệu/ tháng, nếu mỗi tháng bạn trích ra 10% bỏ vào quỹ dự phòng (tức 1 triệu mỗi tháng), như vậy 1 năm bạn sẽ có 12 triệu. Sau 5 năm, bạn đã hoàn thành số tiền mục tiêu của quỹ dự phòng là 60 triệu.
  • Thu nhập của bạn là 20 triệu/ tháng, nếu mỗi tháng bạn trích ra 12% bỏ vào quỹ dự phòng (tức 2,4 triệu mỗi tháng), như vậy sau một năm bạn sẽ có 28,8 triêu. Sau 4 năm 1 tháng bạn sẽ hoàn thành mục tiêu của quỹ dự phòng là 120 triệu.

Tuy nhiên, nếu bạn tận dụng sức mạnh của lãi suất kép thì những con số sẽ được hoàn thành với thời gian ngắn hơn rất nhiều.

  • Mỗi tháng bạn bỏ vào tài khoản tiết kiệm 1 triệu đồng, lãi suất ngân hàng 8%/ năm, áp dụng lãi kép. Sau 4 năm 2 tháng bạn sẽ có trong tay tài khoản tiết kiệm (quỹ dự phòng) với số tiền 60 triệu mục tiêu.
  • Mỗi tháng bạn bỏ vào tài khoản tiết kiệm 2,4 triệu, lãi suất ngân hàng 8%/ năm, áp dụng lãi kép. Vậy thì, chỉ cần sau 3 năm 9 tháng bạn đã hoàn thành mục tiêu 120 triệu trong tài khoản tiết kiệm (quỹ dự phòng) của mình.

Bởi vậy, cho nên ngoài việc tích tiểu thành đại, bạn cũng cần tận dụng sức mạnh của lãi kép trong tích lũy cá nhân.

Đọc thêm:

3. Quỹ đầu tư – 10%

Quỹ đầu tư: quỹ được lập ra để dành cho những khoản đầu tư cho tương lai ví dụ như: tài sản kỹ thuật số, bất động sản, chứng khoán, startup…

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Hương đã từng chia sẻ rất rõ ràng trong bài viết 10 sai lầm trong quản lý tiền bạc trước đây về quỹ này rồi. Đây là quỹ giúp bạn tiến gần hơn tới mục tiêu tài chính, tạo cho bạn những khoản thu nhập bền vững, dài hạn, thậm chí là thụ động.

Hạn mức cho quỹ này là tối thiểu 10% thu nhập của bạn.

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Không có bất kỳ còn số mục tiêu cụ thể nào cho quỹ này, bởi với mỗi loại tài sản mà bạn đầu tư các con số cũng sẽ rất khác nhau.

Với đầu tư, càng đầu tư sớm càng tốt.

Ví dụ:

  • Tài sản số như Blog, Youtube, tiktok, Podcast… con số giao động từ 2 – 50 triệu
  • Bất động sản: tối thiệu 200 triệu, số còn lại bạn có thể thế chấp vay ngân hàng
  • Chứng khoán: chỉ vài triệu đồng, thậm chí 100.000 đồng, bạn có thể bắt đầu tham gia vào thị trường chứng khoán rồi

Xem thêm:

Tuy nhiên, với 10% thu nhập mỗi tháng dành cho quỹ này là con số rất hợp lý. Trong thời gian đó, Hương luôn khuyến khích các bạn nên dành thời gian tìm hiểu thật kỹ kênh đầu tư mà bạn muốn tham gia. Đừng ném tiền qua cửa sổ chỉ vì ai đó nói với bạn rằng chỉ cần bỏ tiền và ngồi chờ đợi.

Hãy đầu tư cả cho sự hiểu biết của bản thân nữa nhé!

4. Quỹ kế hoạch ngắn hạn

Quỹ kế hoạch ngắn hạn: đúng như thế gọi, quỹ này dành cho những dự định (kế hoạch) ngắn hạn như: trả nợ cũ, mua máy tính, du lịch, tổ chức sinh nhật, đổi việc, học thêm ngoại ngữ, mở thẻ tập Gym, học võ, tham gia CLB điện ảnh, từ thiện …

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Bạn nên dành cho quỹ này 30% thu nhập của bạn, là con số tối đa cho quỹ này. Nếu bạn muốn còn số này lớn hơn nữa thì hoặc là bạn giảm tiền ở quỹ thiết yếu xuống, hoặc là bạn cần tìm cách gia tăng thu nhập của mình. Kiến nghị của Hương là bạn nên tìm cách gia tăng thu nhập cho mình.

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Quỹ này sẽ giúp bạn bảo vệ quỹ đầu tư và quỹ dự phòng, để bạn không “động” vào 2 quỹ quan trọng đó. Khi có những kế hoạch phát sinh bất ngờ như cưới hỏi, thăm khám bất ngờ, liên quan công ty… bạn có thể sử dụng quỹ kế hoạch ngắn hạn thay vì rút tiền từ quỹ đầu tư hoặc quỹ dự phòng.

Một vài lưu ý

Bạn nên nhớ tính chất đặc trưng của 4 quỹ kể trên như sau:

  • Quỹ thiết yếu: phục vụ cho cuộc sống thường nhật, hiện tại của bạn
  • Quỹ kế hoạch ngắn hạn: phục vụ phát sinh nhỏ ở hiện tại và dự định gần trong tương lai
  • Quỹ dự phòng: bảo hộ an toàn trong tương lai dài hạn, nền móng tương lai tài chính của bạn.
  • Quỹ đầu tư: xây dựng tương lai tài chính của bạn

Bốn quỹ này sẽ phù hợp với bạn trong giai đoạn số 2 (Hoạch định hiện tại) của hành trình tự do tài chính. Khi chuyển qua giai đoạn tiếp theo là giai đoạn 3 (Xây dựng tương lai), chúng ta sẽ có sự xuất hiện của các quỹ mới.

Hương sẽ chia sẻ chi tiết hơn ở các bài viết sau này của Blog Phụ Nữ Tự Do nhé.

Đọc thêm:

Bước 3. Thực hiện theo thứ tự ưu tiên

Sau khi bạn đã có hạn mức riêng mình cho từ quỹ: thiết yếu, dự phòng, đầu tư, kế hoạch ngắn hạn. Thứ tự ưu tiên cho các quỹ như sau:

  1. Quỹ dự phòng
  2. Quỹ đầu tư
  3. Quỹ kế hoạch ngắn hạn
  4. Quỹ thiết yếu
lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Bạn cần nghiêm túc thực hiện theo 6 bước theo hướng dẫn sau:

  1. Tạo tài khoản riêng cho quỹ đầu tư và dự phòng: Mở một tài khoản tại ngân hàng mới khác với tài khoản ngân hàng mà bạn đang dùng để chi tiêu và nhận lương. Hương giả dụ bạn đang dùng Techcombank để nhận lương, thì bạn có thể đến TPBank để mở tài khoản mới hoặc mở tài khoản online tại nhà. Tài khoản mới này sẽ phục vụ cho việc tạo lập Quỹ Dự phòng và Quỹ đầu tư.
  2. Đặt lệnh tự động chuyển tiền vào mỗi kỳ: Cài đặt tài khoản nhận lương, thu nhập hàng tháng chế độ tự động chuyển tiền đến tài khoản TPBank của bạn số tiền tương ứng với hạn mức của Quỹ Dự phòng và Quỹ đầu tư.
  3. Tận dụng sức mạnh lãi kép: Đưa số tiền hàng tháng chuyển vào tài khoản TP Bank của bạn vào trạng thái gửi tiết kiệm online, kì hạn 12 tháng và tự động tái tục (điều này sẽ giúp bạn tận dụng được sức mạnh lãi kép của ngân hàng). Lưu ý, bạn vẫn cần tách bạch 2 Quỹ này bằng cách mở sổ tiết kiệm riêng biệt cho chúng.
  4. Tạo tài khoản cho quỹ kế hoạch ngắn hạn: Tiếp tục mở 1 tài khoản tiết kiệm dành cho quỹ kế hoạch ngắn hạn của bạn tại ngân hàng Techcombank bạn đang dùng. Cài đặt tự động chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm này theo hạn mức đã định trước. Kì hạn bạn có thể để từ 1 – 3 tháng, tùy thuộc vào dự định cá nhân của bạn, và cũng đặt trạng thái tự động tái tục.
  5. Sinh hoạt chi tiêu theo kế hoạch: Số còn lại, 50% thu nhập là phần tiền dành cho việc chi tiêu cá nhân của bạn. Chi tiêu với mức sống tối thiểu và tiếp túc hoạt động ghi chép và theo dõi thu chi cá nhân một cách đều đăn.
  6. Kỷ luật bản thân: Xem lại bảng ghi chép chi tiêu của mình vào cuối mỗi ngày để bám sát kế hoạch của bản thân.

Đọc thêm: Hướng dẫn đầu tư chứng chỉ quỹ tại Infina chỉ với 100.000 đồng

Bước 4. Đánh giá và cải tiến định kỳ

Hàng tháng, hàng quý, hàng năm, bạn sẽ cần ngồi xuống xem tình hình tài chính của mình đang diễn ra theo đúng kế hoạch bạn đặt ra hay không?

Có phần nào cần cải tiến hay không?

Có những mẹo nào khiến cho việc chi tiêu cá nhân hợp lý hơn không?

Hương lấy một vài ví dụ nhé:

  • Mua sách trên Tiki mà thanh toán qua momo, hoặc Shoppe Pay, Zalo Pay sẽ có giảm giá và ưu đãi tốt hơn. Vậy, bạn nên tải các ứng dụng này về điện thoại.
  • Những vật phẩm sinh hoạt thường dùng có thể mua theo số lượng lớn để tiết kiệm hơn, ví dụ như: nước giặt, giấy ăn, dầu ăn, dầu gội, dầu xả, sữa tắm…
  • Loại bỏ thẻ tín dụng
  • Tìm thêm công việc làm ngoài giờ
  • Học thêm một kỹ năng mới

Bước này rất khó để đưa ra một quy chuẩn chính xác cho việc đánh giá. Nhưng chắc chắn bạn phải tính được tỷ lệ hoàn thành mục tiêu của bạn là bao nhiêu.

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Ví dụ:

  • Quỹ dự phòng: đạt 100% mục tiêu
  • Quỹ đầu tư: đạt 0% mục tiêu
  • Quỹ thiết yếu: đạt 100% mục tiêu
  • Quỹ kế hoạch ngắn hạn: vượt quá 33% so với kế hoạch => chi nhiều hơn. Không tốt.

Như vậy, bạn cần lên kế hoạch bù vào cho Quỹ đầu tư bị bỏ trống của tháng trước, bằng cách mỗi tháng sau đó điều chỉnh tỷ lệ % chia cho quỹ đầu tư và quỹ kế hoạch ngắn hạn. Chuyển một phần của ngắn hạn sang trả lại cho quỹ đầu tư.

Lưu ý: Bạn nên chia nhỏ quá trình này thành nhiều tháng, tránh việc thâm hụt đột ngột khiến bạn gặp khó khăn trong việc điều hòa cuộc sống cũng như tránh sự nản lòng.

Hữu ích dành cho bạn: Cần bao nhiêu tiền để nghỉ hưu sớm?

5 Mẹo nhỏ của Hương trong lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Có những thời gian Hương áp dụng các phương pháp quản lý tài chính cá nhân khác nhau để tìm ra phương án tối ưu và phù hợp nhất cho mình.

Nhờ đó, Hương có những mẹo “nhỏ như có võ” trong việc lập kế hoạch chi tiêu cá nhân sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc thực hiện và bám sát kế hoạch.

Nghe Podcast – 5 mẹo giúp bạn kiên trì với kế hoạch chi tiêu cá nhân


Mẹo nhỏ số 1. Tập trung xây Quỹ dự phòng ở giai đoạn đầu

Trong giai đoạn đầu tiên, Hương dành tập trung xây Quỹ dự phòng, đảm bảo Quỹ dự phòng đạt con số 1 tháng chi tiêu tối thiếu.

Cách làm của Hương như sau:

Hương dùng 5 tháng đầu tiên, áp dụng mức 20% thu nhập cho Quỹ tiết kiệm, tạm ngưng bỏ quỹ đầu tư. Sau khi hoàn thành số tiền quỹ tiết kiệm về con số tương đương với 2 tháng chi tiêu tối thiểu, Hương sẽ phân bổ lại về: 10% về quỹ tiết kiệm, 10% về quỹ đầu tư.

Như vậy, phân bổ chi tiêu của Hương lúc này sẽ như sau:

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Điều này, mang lại 3 lợi ích khi lập kế hoạch chi tiêu cá nhân như sau:

  1. Hương sẽ có một số tiền vừa đủ, để phòng các trường hợp bất trắc có thể xảy đến.
  2. Giúp Hương có được tâm lý thoải mái và an tâm hơn trong việc quản lý và kỷ luật bản thân về chi tiêu cá nhân.
  3. Giúp Hương có thời gian học tập, tìm hiểu các kênh đầu tư phù hợp với mình.

Đọc thêm: 3 cột mốc mục tiêu của tự do tài chính

Mẹo nhỏ số 2. Tập trung giải quyết nợ xấu

Nếu bạn từng giống như Hương, từng vướng phải nợ nần thì giai đoạn đầu của hành trình này, hãy tìm cách xóa nợ.

Bạn có thể dùng chính quỹ kế hoạch ngắn hạn để thực hiện trả hết những món nợ này, nếu cần thiết và cấp bách, bạn cũng có thể dùng đến quỹ đầu tư (không quá 6 tháng), nếu khoản nợ của bạn phát sinh lãi.

Khi đó, phân bổ chi tiêu của bạn sẽ được mô phỏng như sau:

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Ưu tiên giải quyết các khoản nợ lãi cao trước như thẻ tín dụng, nợ xã hội đen… rồi đến nợ người thân, bạn bè.

Lưu ý:

  • Nếu người bạn vay là người thân, bạn bè, hãy thông báo về kế hoạch trả nợ của bạn. Tin chắc rằng họ sẽ hỗ trợ và an tâm với bạn hơn rất nhiều.
  • Tổng số thời gian trì hoãn bỏ quỹ đầu tư không quá 6 tháng cho cả quá trình tập trung xóa nợ và tích lũy để đảm bảo bạn sẵn sàng cho việc đầu tư dài hạn của mình.

Đọc thêm: Vén màn bí mật thẻ tín dụng – 8 nguyên tắc giúp bạn tránh xa nợ xấu

Mẹo nhỏ số 3. Giảm bớt tần suất và thời gian “lưu lạc” trên mạng xã hội, các app mua sắm

Tránh xa các nguồn dẫn tới việc lập kế hoạch chi tiêu cá nhân của bạn bị phá vỡ như mua sắm online, ham muốn thế hiện bản thân bằng vất chất, sự lôi kéo của đám đông.

lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
  • Bạn có thể dành thời gian lượt shopee, Lazada, tiki bằng việc dành thời gian đọc các bài viết về quản lý tài chính cá nhân tai Blog Phụ Nữ Tự Do.
  • Thay vì lượt facebook, Tiktok, Instagram bạn có thể dành thời gian đọc sách tài chính, nghe podcast của Phụ nữ tự do.
  • Học thêm một kỹ năng mới sẽ khiến bạn bận rộn hơn rất nhiều.
  • Tham gia vận động thể chất như đi bộ, chạy bộ, tập Yoga, thiền, đạp xe sẽ khiến bạn giảm ham muốn vật chất và khỏe mạnh hơn rất nhiều.

Đọc thêm: Review sách: Cha giàu, cha nghèo – bộ sách kinh điển thế giới

Mẹo nhỏ số 4. Áp dụng công thức 1/2 khi mới bắt đầu cắt giảm chi tiêu

Ở phần trên Hương có chia sẻ, việc bạn cần cắt bỏ những khoản chi lãng phí của mình và dịch chuyển về các quỹ: dự phòng, đầu tư và kế hoạch ngắn hạn, sinh hoạt và chi tiêu ở mức tối thiểu (chi tiêu thiết yếu).

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều lần gắng gượng của Hương khi lập kế hoạch chi tiêu cá nhân, bạn không nên đột ngột cắt giảm chi tiêu như vậy. Bởi lẽ trước đó bạn đã quen với mức tiêu dụng như vậy, nếu bạn căt giảm đột ngột chi tiêu, bạn sẽ rất dễ rơi vào áp lực, mệt mỏi và nản lòng thậm chí là bỏ cuộc.

Bởi vậy, Hương gợi ý cho bạn hãy áp dụng CÔNG THỨC 1/2 cho việc cắt giảm chi tiêu.

Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Nghĩa là:

  • Ở tháng đầu tiên, bạn sẽ cắt giảm 1/2 số chi phí ở nhóm lãng phí, chuyển 1/2 số tiền đó phân bổ về quỹ đầu tư hoặc dự phòng.
  • Ở tháng thứ 2, bạn sẽ cắt giảm tiếp 1/2 số chi phí ở nhóm lãng phí còn lại, chuyển về phân bổ cho quỹ đầu tư hoặc dự phòng.
  • Tháng thứ 3 tiếp tục cắt giảm 1/2 số còn lại của tháng thứ 2…

Duy trì trong khoảng 3 – 4 tháng, bạn sẽ quen dần với thói quen chi tiêu này. Rất đơn giản phải không nào!

Đọc thêm: Hướng dẫn 3 bước theo dõi thu chi cực kỳ đơn giản và hiệu quả

Mẹo nhỏ số 5. Tách bạch các 4 loại quỹ ở 4 ngân hàng khác nhau

Ở trên Hương có hướng dẫn bạn sử dụng 2 ngân hàng để chia phần cho 4 quỹ.

Nhưng nếu bạn là một người dễ bị “dụ dỗ” như Hương thì một mẹo nhỏ nữa dành cho bạn để bảo toàn số tiền của mỗi quỹ là hãy để 4 quỹ này ở 4 ngân hàng khác nhau.

Bởi khi bạn để các quỹ ở chung nhau ở một ngân hàng, điều này sẽ khiến cho việc chuyển nhận tiền của bạn trở nên dễ dàng hơn, khiến bạn dễ tiện tay “mượn tạm” tiền của quỹ này tiêu cho việc của quỹ khác.

Bởi vậy, nếu có thể hãy sử dụng 4 ngân hàng cho 4 quỹ này. Hiện nay việc mở ngân hàng online tại nhà đang được hỗ trợ rất tốt bởi các ứng dụng ngân hàng. Chúng sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc lập kế hoạch chi tiêu cá nhân và kỷ luật bản thân.

lập kế hoạch chi tiêu cá nhân
Lập kế hoạch chi tiêu cá nhân

Một số ngân hàng lãi suất tốt, uy tín, dịch vụ chất lượng mà Hương đã và đang dùng, bạn có thể tham khảo: Techcombank, OCB, TPBank, MB Bank, VietinBank.

Mở tài khoản trực tuyến OCB bằng cách ấn vào nút dưới đây:

Mở tài khoản trực tuyến TP Bank bằng cách ấn vào nút dưới đây:

Mở tài khoản trực tuyến MB Bank băng cách án vào nút dưới đây:

Tổng kết

Với 4 bước lập kế hoạch chi tiêu cá nhân ở trên, Hương tin rằng nếu bạn nghiêm túc thực hiện theo từng bước như Hương hướng dẫn thì chắc chắn tình hình tài chính của bạn sẽ có những bước chuyển biến vô cùng lớn.

Hi vọng những kiến thức tài chính hôm nay bạn có được từ Hương, sẽ giúp bạn tự tin và quyết tâm hơn với hành trình tiến tới mục tiêu tự do tài chính của mình.

Nên nhớ, lập kế hoạch chi tiêu cá nhân mới chỉ là những bước đầu tiên trong hành trình của bạn. Hãy quyết tâm và kỷ luật bản thân nhiều hơn nữa.

Hữu ích dành cho bạn:

Hương vẫn luôn ở đây, giúp đỡ và đồng hành cùng bạn.

Hãy áp dụng, vào cho Hương biết những thay đổi trong bức tranh tài chính của bạn sau một tháng nữa nhé.

Chúc bạn một ngày tốt lành!

Đừng quên rằng…!

Hương đã thiết kế một khóa học đặc biệt dành cho những ai mong muốn:

  • Thoát khỏi rắc rối tài chính đang mắc phải
  • Giải phóng bản thân khỏi con nghiện mua sắm
  • Xây dựng quỹ dự phòng cho bản thân 6 – 12 tháng

Thì khóa học: 30 NGÀY THAY ĐỔI – TẠO LẬP THÓI QUEN CHI TIÊU TÍCH CỰC SAU 30 NGÀY là khóa học dành cho bạn.

Tìm hiểm thêm về khóa học tại đây!

Hương Nguyễn – Phụ Nữ Tự Do.


Nếu bạn thấy nội dung này là có giá trị, hãy mời Hương một cốc cafe nhé!

Hoặc,

Số tài khoản: 19037057180015
Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Thu Hương
Ngân hàng Techcombank chi nhánh Tân Bình.

One Response

  1. Nam
    15/07/2022

Write a Comment