Hành trình tự do – Theo dõi thu chi cá nhân như thế nào? 3 bước theo dõi thu chi cá nhân đơn giản và dễ dàng

Theo dõi thu chi cá nhân

Chào cô gái,

Dạo này bạn thế nào? Bạn có khỏe không? Bạn đang có những ngày vui vẻ và may mắn chứ?

Hương đang có kỳ nghỉ ở Nha Trang – Khánh Hòa, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang đọc bài viết Theo dõi thu chi cá nhân như thế nào? được xuất bản “tại một nơi xa”.

Tại sao cần theo dõi thu chi cá nhân?

Theo dõi thu chi cá nhân
Tại sao cần theo dõi thu chi cá nhân?

Hương đã chia sẻ với bạn 4 giai đoạn mà bất cứ ai cũng phải trải qua nên muốn tiến tới mục tiêu tự do tài chính của mình. Bao gồm:

  1. Bất an, lo lắng
  2. Hoạch định hiện tại
  3. Xây dựng tương lai
  4. Tự do tài chính.

Đọc bài viết liên quan:

Hương coi đây hành trình này là các thử thách bạn cần vượt qua. Mỗi thử thách được hoàn thành bạn sẽ được quyền mở ra cánh cửa mới, hưởng thụ cảm giác chiến thắng và tận hưởng những đặc quyền mới khi hoàn thành nhiệm vụ. Cứ mỗi lần một cánh cửa mới mở ra đại diện cho việc chúng ta bước sang một giai đoạn mới, một thử thách mới, và một thành quả mới.

Hương gọi hành trình này của mình là mở rộng trải nghiệm hạnh phúc. Không biết bạn có thích cụm từ đó không?

Ở bài viết trước, Hành trình tự do – 4 giai đoạn của tự do tài chính, Hương đã chia sẻ với bạn những khó khăn bạn gặp phải trong giai đoạn 1. Bất an và lo lắng. Khi đó, bạn ở trạng thái không biết mình có gì? muốn gì? thiếu gì? hay ngắn gọn lại là không ý thức về việc quản lý tài chính cá nhân.

Khi bạn bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân, khi đó bạn đã tự mở cho mình cánh cửa để bước vào giai đoạn 2 trong hành trình tự do của mình rồi đó – Hoạch định hiện tại.

Để hoạch định và lên kế hoạch tài chính của bạn, đầu tiên bạn phải biết được bức tranh tài chính toàn cảnh của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải nhìn được rõ ràng hiện trạng sử dụng tiền bạc của chính mình.

Theo dõi  thu chi cá nhân
Tại sao cần theo dõi thu chi cá nhân?

Ở bài viết này, Hương sẽ hướng dẫn bạn cách Theo dõi thu chi cá nhân, đây chỉ là khởi điểm của mọi hoạt động quản lý tài chính sau này của bạn.

  • Cách theo dõi chi tiêu cá nhân
  • Cách phân loại các khoản chi tiêu
  • Nhìn được bạn đang có những khoản thu nào?
  • Nhìn thấy những khoản chi lãng phí cần được cắt bỏ
  • Lập bảng theo dõi thu chi cá nhân như thế nào?
  • Ứng dụng theo dõi thu chi cá nhân

Là những nội dung mà hôm nay Hương sẽ chia sẻ đến cho bạn.

Chúng ta cùng bắt đầu nhé!

Hữu ích cho bạn: 10 sai lầm trong quản lý tiền bạc của phụ nữ cần loại bỏ ngay lập tức

Theo dõi khoản thu cá nhân như thế nào?

Theo Wikipedia,

Thu nhập cá nhân trong kinh tế là thuật ngữ đề cập đến tất cả các khoản thu nhập của một cá nhân kiếm được trong một niên độ thời gian nhất định từ tiền lương, đầu tư và các khoản khác, nó là tổng hợp của tất cả các thu nhập thực nhận bởi tất cả các cá nhân hoặc hộ gia đình. Thông thường thu nhập cá nhân phải chịu đánh thuế thu nhập.

Theo dõi thu chi cá nhân.

Có những loại thu nhập nào?

Có thể bạn sẽ được nghe về rất nhiều các loại thu nhập khác nhau như: tiền lương, thưởng hoa hồng, thưởng thâm niên, lương gia sư, doanh thu bán hàng, lương hưu, tiền lãi tiết kiệm, hoa hồng mô giới…

Theo Robert T. Kiyosaki – nhà đầu tư, tỷ phú, tác giả bộ sách nổi tiếng trên toàn thế giới “Cha giàu, cha nghèo”, ông cho rằng có 3 loại thu nhập như sau:

  1. Thu nhập kiếm được: thu nhập từ việc bỏ ra sức lực, thời gian, chuyên môn để đổi lại. Nói đơn giản là thu nhập từ hoạt động làm việc. Khi ngừng làm việc, khoản thu này cũng sẽ ngừng.
  2. Thu nhập từ đầu tư: Lợi tức từ các khoản đầu tư trong quá khứ. Nói đơn giản thu nhập từ hoạt động khiến tiền đẻ ra tiền.
  3. Thu nhập thụ động: Khoản thu từ nguồn lực có sẵn, hay nói đúng hơn là nguồn lực đã được tạo dựng trong quá khứ để đến hiện tại bạn không cần làm việc hay đầu tư gì thêm thì nguồn thu nhập này vẫn về một cách đều đặn.

Hương chia sẻ rất kỹ về 3 loại thu nhập này tại bài viết:

Ghi chép và theo dõi các khoản thu như thế nào?

Thông thường việc theo dõi thu chi cá nhân thương được ghi chép theo chu kỳ ngắn theo quý hoặc tháng. Với kinh nghiệm của Hương thì bạn nên lấy chu kỳ theo dõi theo tháng, bởi nó vừa đủ ngắn và cũng đủ biên độ rộng để đánh giá việc thu và chi của bạn.

Tại bài viết này, Hương sẽ chia sẻ cách theo dõi thu chi theo chu kỳ tháng nhé.

Hai Nguyên tắc ghi chép và theo dõi:

  1. Thu nhập phát sinh tại thời điểm nào thì bạn ghi nhận khoản thu ở thời điểm đó.
  2. Chỉ ghi nhận những khoản thu thực nhận. Thu nhập về ví/ tài khoản ngân hàng của bạn.
Theo dõi thu chi cá nhân
Theo dõi thu chi cá nhân

Hương lấy ví dụ:

  1. Lương tháng 5/2022 của bạn được công ty trả vào ngày 05/06/2022 thì bạn sẽ ghi nhận thu nhập vào tháng 6 chứ không phải tháng 5.
  2. Ví dụ bạn bán một mảnh đất trị giá là 1 tỷ. Người mua đặt cọc vào ngày 20/05/2022 là 50 triệu, thu nhập này được ghi nhận vào tháng 5. Trả đợt 1 là 350 triệu vào ngày 05/06/2022, trả đợt 2 là 600 triệu vào ngày 30/06/2022. Như vậy số tiền ghi nhận là 950 triệu vào thu nhập của tháng 6.

Nếu bạn có thể chia các khoản thu nhập thành một trong 3 loại thu nhập như Hương vừa chia sẻ ở trên thi càng tốt. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu thì cũng không bắt buộc việc bản phân loại thu nhập của mình. Bởi đa số khi ở giai đoạn này bạn đang nhận thu nhập chủ yếu từ nhóm thu nhập kiếm được.

Sau khi có được khoản thu rồi. Bạn có thể nhìn thấy bạn có mấy nguồn thu nhập? đến từ nguồn nào? Từ chính những thông tin này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc tìm kiếm kênh giúp tăng thu nhập phù hợp và tốt nhất dành cho bạn.

Đọc thêm:

Theo dõi khoản chi cá nhân như thế nào?

Ở phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu có những nhóm chi tiêu nào? và ghi chép chúng ra sao?

Có những loại chi tiêu nào?

Có lẽ bạn không còn xa lạ với những quy tắc quản lý chi tiêu như quy tắc 50/30/20, quy tắc 6 chiếc lọ, quy tắc 3 con heo…

Có rất nhiều cách phân loại các khoản chi tiêu như: chi phí nhà cửa, chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt, chi phí giáo dục, chi phí hưởng thụ…

Tuy nhiên, ở giai đoạn này thì Hương nghĩ bạn không nên phân loại chi phí vào những mục nhỏ như vậy. Chúng ta sẽ ưu tiên những phương pháp đơn giản, để dù bạn chưa có thói quen ghi chép chi tiêu trước đó bạn cũng dễ dàng hình thành thói quen.

Các khoản chi tiêu chúng ta sẽ phân loại thành 3 nhóm như sau:

  1. Nhóm thiết yếu: Không chi là chết, các khoản chi bắt buộc. Đây là những chi phí để duy trì cuộc sống cơ bản của bạn, nhất định phải chi, ví dụ như: tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền điện, tiền nước…
  2. Nhóm lãng phí: Các khoản chi không bắt buộc, có thể cắt giảm, lãng phí. Ví dụ như: shopping, nhậu nhẹt, thuốc lá, cafe sang chảnh…
  3. Nhóm nên chi: Nhóm này là những khoản chi không bắt buộc, nhưng mang tính đầu tư hoặc không phải những khoản chi lãng phí. Ví dụ như: mua khóa học, mua sách, đăng ký thẻ tập Gym, mừng đám cưới, chu cấp cho bố mẹ …

Hữu ích cho bạn: Mẹo cắt bỏ chi tiêu lãng phí nhanh chóng, hiệu quả

Ghi chép và theo dõi các khoản chi như thế nào?

Để đơn giản hóa về hoạt động ghi chép và theo dõi các khoản chi, Hương sẽ chia hoạt động này thành 3 bước như sau:

  • Bước 1: Tổng hợp tất cả các khoản chi hằng ngày của bạn
  • Bước 2. Phân loại các khoản chi này về một trong 3 nhóm ở trên
  • Bước 3. Đánh giá và cải thiện

Ví dụ như hình bên dưới:

Theo dõi thu chi cá nhân
Theo dõi thu chi cá nhân

Hoạt động này bạn cần phải thức hiện đều đặn mỗi ngày bằng cách ghi chép vào sổ, sử dụng công cụ bảng biểu hoặc dùng các ứng dụng theo dõi thu chi để tổng hợp.

Sau khi tổng hợp lại những khoản chi và phân loại vào các nhóm, bạn sẽ thấy tiền của mình đang chi tiêu hợp lý hay không và nó đang bị chi lãng phí ở những mục nào. Từ đây bạn cũng có thể đánh giá được chất lượng quản lý cuộc sống của bạn ra sao.

  • Khoản thiết yếu: tiếp tục duy trì
  • Khoản nên chi: Duy trì nếu hạn mức và thu nhập của bạn cho phép
  • Khoản lãng phí: cắt bỏ hoặc chuyển đổi thành Khoản nên chi

Hữu ích cho bạn:

Giống như Hương từng chia sẻ, khi bạn quản lý được tài chính của mình, bạn đã vô tình quản lý được cuộc sống của bạn.

Nghe Podcast 11 – 3 bước theo dõi thu chi cá nhân

Nghe trên: Apple Podcast | Spotify | Youtube Podcast.

5 Nguyên tắc ghi chép và theo dõi thu chi cá nhân

  1. Ghi chép hằng ngày
  2. Không bỏ sót bất cứ khoản thu – chi nào dù là nhỏ nhất
  3. Trung thực với hoạt động thu – chi thực tế
  4. Bảng theo dõi khoản chi nên có: ngày chi – tên khoản chi – số tiền chi – phân nhóm khoản chi
  5. Theo dõi thu chi mang tính cá nhân hóa.

Cá nhân hóa là sao? Hiểu đơn giản như thế này:

  1. Có thể khoản chi này của bạn là Lãng phí những lại là Nên chi với người khác và ngược lại.
  2. Việc phân loại các khoản chi mang tính tương đối và cá nhân hóa với từng người. Sẽ không có một quy chuẩn chung cho tất cả.

Ví dụ: Bạn là một Food Reviewer, bạn thường xuyên xuất hiện ở các nhà hàng, quán ăn để trải nghiệm và review cảm nhận. Như vậy đây là một khoản chỉ nằm trong mục NÊN CHI của bạn. Nhưng nó sẽ nằm trong mục LÃNG PHÍ của Hương do nhu cầu cuộc sống và công việc của Hương khác với của bạn.

Công cụ hỗ trợ theo dõi thu chi cá nhân

Một số công cụ sẽ hộ trợ bạn theo dõi thu chi cá nhân của mình một cách thông minh hơn.

1. Ghi chép bằng sổ tay

Sử dụng sổ tay để theo dõi thu chi cá nhân là cách làm truyền thống và lâu đời nhất mà các bà, các mẹ hay dùng để thực hiện việc theo dõi chi tiêu trong gia đình hằng ngày.

  • Ưu điểm: Hương thấy cách này khá hay, nó sẽ cho bạn cảm giác và tác động tâm lý một cách khá rõ ràng mỗi lần đặt bút viết. Khi bạn viết những số tiền lớn hoặc viết nhiều dòng với nhiều khoản tiền khác nhau bạn sẽ bắt đầu chú ý và để tâm tới chúng.
  • Nhược điểm: Với cách này, bạn cần mang theo cuốn sổ nhỏ và bút viết bên mình để có thể cập nhật tức thì các khoản chi tiêu, tránh để đến cuối ngày tổng hợp có thế sẽ quên mất một vài khoản chi lắt nhắt.
Theo dõi thu chi cá nhân
Theo dõi thu chi cá nhân

Cách này rất dễ thực hiện, bạn chỉ cần đơn giản ghi lại toàn bộ những khoản thu – chi phát sinh trong ngày. Sau đó việc phân loại các khoản thu – chi có thể làm sau cũng không sao.

Hữu ích với bạn:

2. Sử dụng bảng excel

Excel là một công cụ sinh ra để làm việc hiệu quả với những con số. Đây là cách mà Hương ứng dụng lâu nhất trong hành trình theo dõi thu chi cá nhân của mình.

  • Ưu điểm: Cập nhật nhanh chóng, thông minh. Có sẵn hệ thống tính toán, bạn chỉ cần đặt công thức là có thể dễ dàng nhìn được toàn cảnh thu chi của mình ngay lập tức khi nhập số liệu. Dễ dàng lưu trữ dữ liệu và phân tích cũng như tổng hợp báo cáo.
  • Nhược điểm: Bạn cần công cụ hỗ trợ là máy tính, laptop hoặc điện thoại hỗ trợ ứng dụng Excel để thực hiện các thao tác cập nhật số liệu này. Bạn có thể bỏ sót hoặc quên mất các khoản chi trong ngày nếu như không cập nhật ngay sau khi mua sắm hoặc chi tiền nếu bạn cũng có một chiếc “não cá vàng” giống như Hương.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó Hương rất thích việc ứng dụng tin học, cụ thể là bảng biểu Excel vào việc theo dõi và ghi chép thu chi của mình.

Dưới đây là một biểu mẫu mà Hương từng dùng để thực hiện việc theo dõi thu chi cá nhân của mình. Bạn có thể tải về và áp dụng cho trường hợp của mình. Hương đã setup sẵn công thức và các tác vụ đi kèm nhằm hỗ trợ cho bạn ghi chú tốt hơn.

Tải về: Biểu mẫu BẢNG THEO DÕI THU CHI CÁ NHÂN bằng Excel, bên dưới:

3. Theo dõi bằng ứng dụng quản lý chi tiêu

Hiện nay có rất nhiều ứng dụng tài chính mà bạn có thể tham khảo. Nhờ những ứng dụng này mà việc theo dõi thu chi cá nhân trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều.

Theo dõi thu chi cá nhân
Theo dõi thu chi cá nhân

Một vài ưu điểm nổi bật:

  • Cập nhật nhanh chóng thông minh.
  • Tự động báo cáo tổng hợp bức tranh tài chính
  • Tích hợp sẵn vào điện thoại
  • Dễ dàng kiểm tra bất cứ lúc nào
  • Tự động phân tích báo cáo tài chính
  • Có thể xuất dữ liệu vào bảng Excel.

Một số ứng dụng mà Hương biết đến và đã dùng có thể gợi ý cho bạn: Money Lover, Misa Money Keeper, Timo.

Hiện Hương đang dùng thường xuyên nhất là ứng dụng MISA, bạn có thể tham khảo ứng dụng này nhé.

Hữu ích cho bạn: Review app tài chính Infina – Đầu tư và tích lũy với số vốn “tiểu học”

Tổng kết

Theo dõi thu chi cá nhân là bước đầu tiên khởi động sau khi bạn bước vào giai đoạn Hoạch định hiện tại của mình. Từ những thông kê từ hoạt động này, bạn sẽ nhìn rõ bức tranh tài chính của mình, đồng thời đây cũng là căn cứ giúp bạn lập kế hoạch và hoạt định lại dòng tiền của mình, điều chỉnh khoản chi lãng phí và mở rộng khoản thu phù hợp.

Hữu ích dành cho bạn:

Hơn những thế, việc bạn theo dõi thu chi sẽ giúp bạn có thêm những động lực vô hình trong việc quản lý tài chính cá nhân của bản thân.

Để mang tới kết quả nền tảng cho việc đánh giá khả năng quản lý tài chính cá nhân của bạn, các số liệu cần được lấy con số trung bình của nhiều chu kỳ theo dõi. Thường khoảng 3 -6 tháng, thời gian theo dõi càng lâu, bạn càng có những số liệu chính xác và sát với thực tế của bản thân.

Hi vọng bài viết này đã mang lại cho bạn những kiến thức tài chính hữu ích.

Hãy kiên trì, bởi đây mới chỉ là bước đầu tiên trong hành trình quản lý tài chính cá nhân của bạn.

Bây giờ, ngay từ phút này,

Hãy đặt bút xuống viết lại những khoản chi từ sáng tới giờ của bạn nhé, xem hôm nay bạn đã chi tiền cho những khoản mục nào?

Chúng được xếp vào nhóm thiết yếu? lãng phí? hay nhóm khác?

Theo dõi thu chi cá nhân

Chúc bạn một ngày ý nghĩa.

Đừng quên rằng…!

Hương đã thiết kế một khóa học đặc biệt dành cho những ai mong muốn:

  • Thoát khỏi rắc rối tài chính đang mắc phải
  • Giải phóng bản thân khỏi con nghiện mua sắm
  • Xây dựng quỹ dự phòng cho bản thân 6 – 12 tháng

Thì khóa học: 30 NGÀY THAY ĐỔI – TẠO LẬP THÓI QUEN CHI TIÊU TÍCH CỰC SAU 30 NGÀY là khóa học dành cho bạn.

Tìm hiểm thêm về khóa học tại đây!

Hương Nguyễn – Phụ Nữ Tự Do.


Nếu bạn thấy nội dung này là có giá trị, hãy mời Hương một cốc cafe nhé!

Hoặc,

Số tài khoản: 19037057180015
Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Thu Hương
Ngân hàng Techcombank chi nhánh Tân Bình.

Write a Comment